Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm giàu văn hóa Kinh kỳ

Hiền Dung| 01/08/2011 07:25

(HNM) - Trước khi Hà Nội và Hà Tây hợp nhất, đã từng có nhiều ý kiến lo cho


Mối "lương duyên" tiền định

Nhà nghiên cứu về Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc từng nói: "Thăng Long - Hà Nội xưa được xây dựng bởi bốn tiểu vùng văn hóa là: Kinh Bắc, xứ Đoài, xứ Đông và Lĩnh Nam. Bốn vùng văn hóa đó đã hòa trộn với đặc trưng văn hóa của Kinh thành để tạo nên bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội". Như vậy có nghĩa là văn hóa xứ Đoài, văn hóa trấn Sơn Nam Thượng luôn là một trong những thành tố của văn hóa Thăng Long và việc hợp nhất Hà Nội và Hà Tây (cũ) như mối "lương duyên" tiền định.


Hội Gióng đã được UNESCO vinh danh. Ảnh: Bá Hoạt


Có thể thấy rằng, từ lâu những nét văn hóa đặc sắc tạo nên "thương hiệu" cho văn hóa Xứ Đoài, cho trấn Sơn Nam Thượng tự thân nó đã có sự giao thoa, kết hợp cùng các "thương hiệu" của văn hóa Kinh kỳ để tỏa sáng. Ví như hệ thống đền thờ đức Thánh Tản, vị Thánh đứng đầu trong "Tứ bất tử" của người Việt không chỉ có ở dải đất Sơn Tây, Ba Vì mà còn được thờ tự ở nhiều nơi khác trên địa bàn Hà Nội (cũ). Người dân phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng), người dân xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ), người dân xã Mê Linh (huyện Mê Linh) đều thờ Hai Bà Trưng và hằng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn Hai Bà với các nghi lễ khá tương đồng. Tương tự, lễ hội độc đáo bậc nhất vùng Đồng bằng Bắc bộ - Hội Gióng đã được UNESCO vinh danh có vùng lan tỏa ở Thường Tín. Hay như phường rối nước Chàng Sơn, Thạch Xá (Thạch Thất) cùng phường rối nước Đào Thục (Đông Anh) và Nhà hát Múa rối Thăng Long đã nhiều lần "hội ngộ" biểu diễn phục vụ công chúng tại Bảo tàng Dân tộc học, đồng thời làm "sứ giả" giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế qua các liên hoan rối nước. Phường Ca trù Thượng Mỗ (Đan Phượng), An Khánh (Hoài Đức), Chanh Thôn (Phú Xuyên), Lỗ Khê (Đông Anh) và CLB Ca trù Hà Nội, Ca trù Thăng Long... cũng đã nhiều lần tao ngộ lảy nhịp sênh, nhịp phách làm say lòng du khách gần xa... Hơn thế, tò he Xuân La, xã Phượng Dực (Phú Xuyên) tự thân nó tìm "đường sống" trên khắp ba mươi sáu phố phường của Hà Nội cũ và hầu như không "vắng mặt" tại bất cứ lễ hội nào từ thành thị đến nông thôn...

Sức lan tỏa và sự giao thoa văn hóa như những mạch ngầm âm ỉ chảy, chỉ chờ có mối lương duyên là quyện vào nhau, giúp nhau hội tụ và tỏa sáng. Điều này càng được minh chứng rõ hơn qua các lễ hội khai xuân của Hà Nội sau khi mở rộng, qua sự thành công của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long với nhiều hoạt động văn hóa dân gian vô cùng độc đáo, hấp dẫn.

Cùng hội tụ và tỏa sáng

Ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam khẳng định: "Việc mở rộng Thủ đô cho đến thời điểm này chỉ mang tính chất mở rộng địa giới hành chính, còn đặc trưng của các tiểu vùng văn hóa về cơ bản không có gì thay đổi". Cũng theo ông Nguyễn Chí Bền, văn hóa có sức mạnh nội sinh, nó được định hình qua hàng nghìn năm lịch sử nên không dễ gì thay đổi, do đó trước mắt cũng như lâu dài sẽ không có chuyện văn hóa xứ Đoài hay trấn Sơn Nam Thượng sẽ bị "đồng hóa", "lép vế" trước văn hóa Kinh kỳ, càng không có chuyện văn hóa Kinh kỳ bị pha tạp, lai căng bởi văn hóa các vùng miền khác.

Cùng quan điểm này, ông Hứa Đức Thịnh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sơn Tây cho biết: Từ khi về Hà Nội, chưa bao giờ cán bộ, nhân dân Sơn Tây bị áp đặt trong việc quản lý và thực hành văn hóa, cũng chưa bao giờ phải bức xúc vì nét văn hóa đặc trưng của địa phương mình bị thay đổi. Hơn thế, người dân xứ Đoài còn học được nét văn minh, thanh lịch của người Tràng An thông qua những việc làm cụ thể như tất cả các phường, xã đều có đội thu gom rác thải, không vứt rác ra đường, dán quảng cáo rao vặt (QCRV) trái phép lên tường, tổ chức việc cưới, việc tang văn minh, tiết kiệm... Nhờ đó, số hộ gia đình đạt danh hiệu "gia đình văn hóa" của thị xã Sơn Tây mỗi năm tăng từ 2-3%...

Chung niềm vui, ông Phạm Văn Luật, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Mê Linh chia sẻ: Hiện nay các hoạt động văn hóa, thể thao của huyện Mê Linh sôi động hơn rất nhiều. Nếu như trước đây cả huyện chỉ có gần 20 đội văn nghệ quần chúng thì hiện nay hơn 90 thôn, làng của Mê Linh đã thành lập đội văn nghệ, duy trì hoạt động thường xuyên. Nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, kéo co, cờ người, đánh đu... từng bước được phục hồi và phát triển. Tình trạng xâm lấn di tích đã được ngăn chặn. Việc tổ chức cưới, tang, lễ hội có bước chuyển biến rõ rệt. Điển hình là mô hình tang văn minh ở thôn Yên Bài, xã Tự Lập. Ba năm trước, việc tang ở Yên Bài còn rất nhiều hủ tục, ăn uống linh đình, nhưng hiện nay việc tang do chính quyền thôn đảm nhiệm, bỏ hẳn ăn uống, lễ chín, lăn đường...

Kết quả của sự hội tụ, giao thoa văn hóa giữa các tiểu vùng còn được thể hiện rõ hơn qua những con số hàng chục di tích được trùng tu tôn tạo đúng quy trình, hàng trăm nhà văn hóa thôn mới được xây dựng, với tỷ lệ hộ gia đình văn hóa của thành phố năm 2010 tăng 0,2%, tỷ lệ làng văn hóa tăng 4,2%, đơn vị văn hóa tăng 12,8% so với năm 2009...

"Văn hóa vốn là cái thượng tầng, kinh tế là hạ tầng. Hạ tầng giải quyết được thì thượng tầng cũng theo đó phát triển. Vì thế, trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô hôm nay, kinh tế và văn hóa phải được quan tâm đồng bộ. Đó là yêu cầu và cũng là nhu cầu tất yếu", ông Nguyễn Chí Bền nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm giàu văn hóa Kinh kỳ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.