Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm giàu từ thế mạnh của địa phương

Trần Phương| 08/05/2010 08:02

(HNM) - Phát huy thế mạnh của xã miền núi có diện tích tự nhiên rộng, những năm qua, một số hộ dân ở xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình trang trại khá hiệu quả. Mô hình chăn nuôi của gia đình anh Phùng Anh Tuấn ở thôn Tam Mỹ là một điển hình.

Xuất ngũ về địa phương năm 1991, anh Tuấn đã đi nhiều nơi, làm nhiều nghề nhưng cuối cùng anh quyết tâm phát triển kinh tế trên quê hương. Được chính quyền địa phương giúp đỡ và từ hơn 1ha đất của gia đình, năm 1993 anh đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng vốn ngân hàng, đầu tư chăn nuôi bò sữa. Lấy ngắn nuôi dài, cùng với kiến thức tiếp thu qua những lần đi tham quan thực tế, các lớp tập huấn về chăn nuôi bò sữa, quy mô chăn nuôi của gia đình anh Tuấn dần phát triển. Đặc biệt, để có đủ nguồn thức ăn tốt cho bò, anh Tuấn đã mua, nhân cấy nhiều giống cỏ chất lượng cao, nhất là giống cỏ Mulato nhập từ Thái Lan, đồng thời xây dựng hệ thống tưới phun hợp lý để giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí và hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, gia đình anh Tuấn nuôi 14 con bò sữa, 6 con đang cho khai thác. Sản lượng sữa trung bình đạt 120 kg/ngày, đem lại doanh thu mỗi năm khoảng gần 300 triệu đồng. Cùng với phát triển đàn bò sữa, từ năm 2003, anh Tuấn tiếp tục mở rộng sang chăn nuôi gà thương phẩm theo quy trình hiện đại với quy mô thường xuyên 5 nghìn con/lứa. Mỗi năm xuất chuồng 4 lứa gà cũng đem lại doanh thu 1,5 tỷ đồng.

Anh còn tổ chức thu mua, tiêu thụ sữa cho 15 hộ gia đình tại địa phương, mỗi ngày hơn 400kg. Với mô hình chăn nuôi như hiện nay, hằng năm, gia đình anh Phùng Anh Tuấn có thu nhập khoảng 500 triệu đồng, đời sống thuộc loại khá giả trong xã.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm giàu từ thế mạnh của địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.