(HNM) - Trước đây, có người nói Phó Bí thư xã đảo Thanh Lân, huyện Cô Tô, (Quảng Ninh) Mai Công Đàm là gàn dở khi đem con sứa từ dưới biển lên bờ để nuôi. Nhưng bây giờ, nhìn trang trại rộng mênh mông giữa biển khơi, ngày ngày sinh ra tiền, người ta mới nể.
Xã đảo Thanh Lân trước hoang sơ lắm! Dù nằm ngay huyện đảo Cô Tô, trong tuyến đường từ khu du lịch nổi tiếng Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đi Cô Tô, Bạch Long Vĩ, nhưng vẫn vắng bóng người. Ngày đó, những người đến lập nghiệp muốn nhìn thấy ánh đèn điện phải lặn lội hàng cây số xuyên rừng lên tít đỉnh núi cao mới nhìn thấy được. Và vì thế, ngay cả những ai có trí tưởng tượng bay bổng nhất cũng chẳng thể nảy ra ý nghĩ làm kinh tế ở nơi "khỉ ho cò gáy" thế này.
Trang trại nuôi sứa biển quy mô hiện đại.
Chuyện bắt đầu quãng năm 1993 khi chàng thanh niên Mai Công Đàm quê Nam Định ra đảo làm cán bộ. Hằng ngày anh xắn quần lội rừng, chọn đất đo đạc, tìm chỗ nuôi sứa, nhiều người cho rằng anh "lẩn thẩn", có người độc miệng mỉa mai: "con sứa vứt đi chẳng đặng, ông này rồ mới đem lên bờ nuôi, liệu được mấy đận?". Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, Mai Công Đàm lặng lẽ thực hiện khát vọng của mình với một niềm tin sẽ thành công. Lặn lội "ăn ngủ" với rừng, với biển và con sứa, người cán bộ này đã tính toán chi li, có bài bản, khoa học các yếu tố môi trường, khí hậu, nguồn nước và cả đầu ra cho con sứa - loài vật khi đó chưa có giá trị kinh tế cao ở vùng biển đảo này.
Đó là chuyện của những ngày sóng gió đã qua, còn giờ đây xã đảo Thanh Lân không còn đơn độc giữa trùng khơi, chừng 40 phút đi đò từ đảo Cô Tô lớn là tới được. Cùng với sự phát triển toàn diện của Cô Tô, Thanh Lân đang nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Niềm vui lộ rõ trên nét mặt Phó Bí thư xã Mai Công Đàm khi nói về xã đảo. Hiện tại theo tiêu chí mới, xã chỉ còn 18 trong tổng số 355 hộ nghèo. Bằng nghề nuôi sứa, chính quyền, người dân đang cố gắng để số hộ nghèo bớt dần qua từng năm.
Vùng biển Cô Tô (Quảng Ninh) được coi là "bãi" sứa của miền Bắc. Cả huyện Cô Tô có gần 40 trại nuôi trồng chế biến sứa, riêng ở xã Thanh Lân có 10 trại. Ông Đàm có năm trại nuôi sứa chạy dọc bãi biển thôn 1 xã Thanh Lân, mỗi trại rộng chừng 1.000m2 với đầy đủ máy móc thiết bị chế biến sứa, vốn đầu tư lên tới hàng tỷ đồng/trại. Con sứa không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương, trong mùa sứa kéo dài ba tháng, hàng nghìn lao động trong đất liền cũng ra Thanh Lân làm thuê kiếm tiền. Ba tháng mùa sứa, thu nhập của mỗi người làm công cũng được 10 - 12 triệu đồng.
Nói về nghề mới đang hái ra tiền, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô Nguyễn Đức Thành cho biết: Sứa là món ăn bổ, có thể chữa hoặc hỗ trợ điều trị hiệu quả một số bệnh nan y như đau đầu khó ngủ, cao huyết áp, suy tim, viêm màng não, giảm thiểu trí nhớ. Một thùng sứa 15kg, xuất khẩu được hơn 600 ngàn đồng, bán tại thị trường trong nước cũng đã được gần 300 ngàn đồng/thùng. Sứa đỏ, giá trị dinh dưỡng cao hơn sứa trắng 20 lần. Một thùng sứa đỏ bán tại Việt Nam có giá 2 triệu đồng, xuất khẩu sẽ được gần 5 triệu đồng, nên huyện rất ủng hộ những mô hình trang trại nuôi sứa như của ông Mai Công Đàm.
Nhân rộng mô hình
Không thỏa mãn với thành công, trước nhu cầu thị trường ngày một lớn, ông Đàm quyết định "dời non" lấy mặt bằng mở rộng quy mô sản xuất bằng việc cùng em trai xây cất liền hai căn biệt thự giữa biển khơi. Lại tiếp tục đầu tư vốn, thuê hàng chục chuyến xà lan chở nguyên vật liệu từ đất liền ra đảo để xây dựng. Sau nhiều tháng thi công, ngọn núi biến mất trong tầm nhìn nhường chỗ cho căn biệt thự sang trọng để làm chỗ giao dịch với khách nước ngoài đến mua sứa cùng cả dãy chuồng mới áp dụng KHKT tiên tiến kết cấu trang nhã được dựng lên. Không làm giàu cho riêng mình, Mai Công Đàm giúp đỡ gần trăm hộ dân xã đảo học cách nuôi, chăm sóc, tìm đầu ra để cùng làm giàu từ con sứa. Ông Đàm cho biết: "Làm thủ công cần 6 người, nhưng từ khi áp dụng công nghệ mới, tôi chỉ cần 2 người. Trước muốn tìm số liệu về tập quán sinh hoạt của con sứa Cô Tô rất lâu, mà vẫn bị nhầm lẫn. Nhưng giờ tra trên máy biết ngay nó sinh nở ở khu nào, theo con nước và tuần trăng về đảo bao lâu".
Bây giờ thì Mai Công Đàm chẳng cần giấu giếm tình cảm của mình khi nhìn ngắm con nước báo hiệu mùa sứa bội thu trên biển quê hương. Phó Bí thư xã đảo tâm sự: Năm vừa qua biển động nhiều vụ sứa thất bát nhưng cả 14 cơ sở sứa trên đảo vẫn thu về hàng tỷ đồng. Nếu tính trung bình cứ hai ba tháng một vụ sứa, ngư dân có thể kiếm cả trăm triệu đồng. Riêng cơ sở của Mai Công Đàm từ con sứa đã cho thu nhập bằng 1/3 tổng thu nhập của cả xã Thanh Lân cộng lại. Nguyên một vụ sứa đầu tiên của năm 2012 ngân hàng huyện đảo Cô Tô đã không đủ tiền mặt cho bà con vay vốn làm ăn, cả trăm ngư dân xã Thanh Lân phải thuê xuồng ra tận Vân Đồn chở tiền về. Chưa hết vụ sứa lại từng đoàn thuyền đó tấp nập chở tiền ra ngân hàng thanh toán cho Nhà nước cả vốn lẫn lãi không thiếu một xu.
Đến giờ này khi đứng giữa cơ ngơi của mình nơi biển khơi ông Phó Bí thư xã Mai Công Đàm đã hoàn toàn tự tin với lựa chọn "điên rồ" của mình. Ông hào hứng khoe quy hoạch trong tương lai trung tâm nuôi và chế biến sứa biển xã đảo Thanh Lân cũng sẽ là một điểm du lịch lý tưởng cho du khách tham quan Cô Tô. Những sản phẩm từ con sứa biển sẽ trở thành đặc sản địa phương và thậm chí du khách sẽ còn được tham gia trực tiếp đánh bắt, trực tiếp chế biến và thưởng thức. Tổng kết những thành công trong đời mình ông tâm sự: "Có những hôm tôi bỏ hàng giờ đứng ngắm con nước mang theo vụ sứa bội thu về mới thấy nó là giống loài có nghĩa có tình kỳ lạ. Dù đi đâu về đâu, lênh đênh nơi nào nhưng cả đời sứa Cô Tô đều thủy chung quay về sinh sôi nảy nở với biển quê nhà. Chính yếu tố này củng cố thêm quyết tâm cho tôi phát triển hơn nữa". Hiện ông Mai Công Đàm vẫn đang nghiên cứu và đưa vào thực hiện nhiều phương pháp chế biến mới, khi có hiệu quả, ông sẽ hướng dẫn cho người dân trong vùng cùng khai thác, cùng làm giàu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.