Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì khi sách có nhiều "sạn"?

Thanh Phong thực hiện| 24/06/2012 08:21


Sách luôn được coi là nguồn kiến thức chuẩn, giờ lại xuất hiện những "hạt sạn" tai hại. Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của các em HS và thầy giáo, cô giáo về những cuốn sách có "sạn" này nhé.

Em Phạm Hà Linh, HS lớp 7, Trường THCS Thành Công:

- Em gái em năm nay mới bước vào lớp 1, trong một lần giảng toán cho em ấy, em đã đọc được bài toán này. Đặc biệt, bài toán phản cảm trên còn có hình vẽ minh họa với hai bàn tay và hai ngón trỏ, giữa của bàn tay phải bị cắt rời, bỏ sang một bên. Em đọc mà còn thấy "choáng", nói gì đến các bé lớp 1. Đọc lại bìa cuốn sách, thấy ghi chú là "dùng kèm với sách giáo khoa lớp 1" và sách do NXB Trẻ - một trong số NXB có uy tín - ấn hành.

Chẳng hiểu tại sao các cô chú làm công tác biên tập lại không để ý đến lỗi nghiêm trọng này? Nếu các em còn nhỏ chưa hiểu biết gì cũng bắt chước "nghịch dao" như "sách dạy" thì hậu quả sẽ tai hại thế nào?

Em Đinh Phương Lan, HS lớp 9, Trường THCS Yên Viên:

- Em thấy hiện nay trên thị trường có rất nhiều sách tham khảo. Chẳng cứ cuốn sách tham khảo dành cho HS lớp 1 nói trên, một số đầu sách của những NXB lớn khác vẫn có nhiều lỗi như in sai kết quả phép toán hay đáp số, sai kiến thức địa lý, lịch sử… như ngay trong cuốn "Bài tập nâng cao từ và câu lớp 3", em thấy có câu: "Thủ đô của Hoa Kỳ là New York". Với những cuốn sách đầy "sạn" thế này mà cứ áp dụng máy móc "y như sách" thì đúng là có ngày nhận điểm kém oan.

Cô Nguyễn Thị Tuyết, giáo viên dạy văn, Trường THCS Ngọc Lâm:

- Thực tế, rất khó có một bộ sách đạt đến độ hoàn hảo. Kể cả những cuốn sách viết tốt rồi thì sau một thời gian cũng phải chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật kiến thức mới. Ngoài những cuốn sách tham khảo bổ sung kiến thức thì ngay cả sách giáo khoa vẫn bị phát hiện còn nhiều "sạn". Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chú ý tiếp thu ý kiến "nhặt sạn" và chỉnh sửa.

Theo tôi, điều quan trọng nhất là người giáo viên phải hiểu được bản chất vấn đề. Giáo viên có thể vận dụng sách một cách linh hoạt chứ không thể căn cứ từng chữ, từng câu trong sách để dạy. Các kiến thức trong sách cần được kiểm chứng lại hoặc truyền tải cho các em phù hợp với tình hình thực tế lớp học. Với những sai sót nhỏ thì giáo viên phải tự chỉnh sửa, giải thích thêm cho HS. Đặc biệt, với những bài kiểm tra môn lịch sử, địa lý, văn - tiếng Việt, giáo viên nên có cách chấm điểm linh hoạt; không phải cứ viết đúng y nguyên trong sách là cho điểm cao, mà cần khuyến khích các em có cách bày tỏ suy nghĩ cá nhân, đánh giá vấn đề đúng đắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì khi sách có nhiều "sạn"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.