Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để thay đổi tâm lý mua sắm?

Thanh Hiền| 10/06/2015 07:00

(HNM) - Từ nhiều năm nay, hành vi mua sắm của người Việt Nam đối với hàng nội, hàng ngoại là chủ đề

Nhiều mặt hàng Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường trong nước. Ảnh: Khánh Nguyên



Thời gian qua, các DN sản xuất trong nước đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất, quản lý nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tạo niềm tin cho NTD đối với hàng nội và tỷ trọng hàng nội ngày càng tăng trên thị trường. Bên cạnh đó, Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cùng nhiều chương trình bình ổn giá đã được Đảng, Nhà nước phát động và được nhiều tổ chức đoàn thể, DN tham gia hưởng ứng tích cực. Kết quả đạt được rất đáng trân trọng, đó là những xu hướng tẩy chay hàng giá rẻ, chất lượng kém và độc hại hoặc một số hàng hóa nước ngoài "núp bóng" thương hiệu Việt để bán trên thị trường Việt Nam…

Nếu như trước đây, hàng Việt chỉ chiếm một phần khiêm tốn trong hệ thống các siêu thị, cửa hàng, chợ truyền thống, thì đến thời điểm này, trên các hệ thống phân phối hàng hóa ở hầu hết các tỉnh, thành phố, hàng Việt đã chiếm 80-90%. Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, sau hơn 5 năm thực hiện CVĐ, tổng doanh thu nội địa của Tập đoàn liên tục tăng trưởng. Giờ đây, khi nhắc đến các thương hiệu may mặc lớn của Việt Nam, NTD đã trở nên quen thuộc với các thương hiệu May 10, Việt Tiến, May Nhà Bè, Đức Giang, An Phước… Có thể thấy, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của CVĐ là sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng DN, nhà quản lý và toàn thể xã hội. Trong đó, đặc biệt quan trọng là nỗ lực thúc đẩy mở rộng mạng lưới phân phối ở thị trường trong nước của các bộ, ngành, địa phương bằng cách đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, thị trường Việt Nam trở thành nơi hội tụ của hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới. Nhờ đó, NTD Việt Nam có thể mua sắm hàng hóa từ mọi quốc gia, nhất là khi phương thức mua bán qua mạng internet ngày càng phát triển mạnh. Song, đổi lại các DN sản xuất trong nước phải cạnh tranh khốc liệt với DN nước ngoài, hàng sản xuất trong nước phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu ngay tại sân nhà. Theo các chuyên gia kinh tế, nhu cầu tiêu dùng hàng ngoại của người dân chủ yếu xuất phát từ tâm lý của NTD từ lâu đã rất tin tưởng vào chất lượng của hàng ngoại và e dè đối với nhiều mặt hàng Việt Nam. Ngoài ra, các mặt hàng ngoại hầu hết đều có thiết kế mẫu mã đẹp mắt, chất lượng tốt và bền. Do đó, mặc dù nhiều hàng hóa của Việt Nam có chất lượng tốt, xuất khẩu đi nhiều quốc gia và được NTD các nước ưa chuộng, giá cũng rẻ hơn nhưng một bộ phận không nhỏ người Việt vẫn không tiếc tiền mua sắm các sản phẩm họ yêu thích vì tin tưởng vào chất lượng và thương hiệu của các nhãn hàng này, đặc biệt là nhóm NTD có thu nhập cao và khá cao. Tâm lý chuộng hàng ngoại của NTD khiến các DN sản xuất hàng Việt Nam dù đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt, giá cạnh tranh nhưng lại buộc phải gắn thương hiệu mang tên nước ngoài nhằm thu hút NTD.

Để từng bước thay đổi tâm lý chuộng hàng ngoại, các chuyên gia cho rằng, các ngành chức năng cần nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi mua hàng nội để làm cơ sở hoạch định chính sách cho các DN sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, để hàng nội ngày càng được người dân tin tưởng và sử dụng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền ủng hộ hàng Việt trên mọi phương tiện thông tin đại chúng; kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm của DN sản xuất; tổ chức các chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững cho DN. Về phía DN, các nhà quản trị cần chủ động đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất, chú trọng khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm; tăng chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu hành vi, thói quen tiêu dùng, nhu cầu thị trường; truyền thông, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và hình ảnh công ty để tạo bản sắc riêng. Từ đó, mới thu hút được sự quan tâm của NTD, dần tạo thành thói quen ưu tiên lựa chọn hàng Việt. Ngoài ra, mỗi NTD cần nâng cao tinh thần dân tộc trong việc lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, loại bỏ tâm lý sính ngoại; thay vào đó là sự cởi mở hơn trong việc đánh giá, lựa chọn và thẩm định chất lượng hàng Việt, có như vậy mới đánh giá đúng chất lượng hàng Việt Nam so với hàng ngoại nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để thay đổi tâm lý mua sắm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.