(HNM) - Thị trường bán lẻ Việt Nam đang đứng trước những “cơn sóng lớn” khi các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào lĩnh vực này với hình thức 100% vốn ở Việt Nam. Ý thức rất rõ về sự đe dọa mất thị phần ngay trên sân nhà, song bài toán tăng sức cạnh tranh không đơn giản với hầu hết doanh nghiệp.
Sức "nóng" của một thị trường hấp dẫn
Bài toán tăng sức cạnh tranh không đơn giản với nhiều DN. Ảnh: Linh Tâm
Ngành phân phối, bán lẻ nước ta đang ở giai đoạn chuẩn bị "bùng nổ" và có bước chuyển mạnh về chất, quy mô cũng như trình độ kinh doanh trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong 10 năm qua. Quá trình hội nhập, nhất là sau gần 3 năm gia nhập WTO đã mang lại sức sống mới cho thị trường Việt Nam, gồm cơ hội giao thương, sự giao thoa về chuyển giao dòng vốn, công nghệ.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, thị trường Việt Nam vẫn rất hấp dẫn nhờ sức mua ngày càng được cải thiện, cơ cấu tiêu dùng trẻ... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2009 tăng 18,6% so với năm trước. Dự báo, quy mô thị trường sẽ còn tăng trong năm 2010 và thời gian tới, do thu nhập bình quân của người tiêu dùng tiếp tục gia tăng. Chính phủ, Bộ Công thương và các địa phương chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế huy động vốn, đầu tư xây dựng thêm cơ sở, trung tâm phân phối, bán lẻ, nhất là ở các đô thị.
Từ thực tế trên, các DN thuộc lĩnh vực phân phối đã, đang phát triển nhanh về số lượng trong vòng 10 năm qua, làm thay đổi một phần tập quán mua sắm truyền thống. Người ta đã quen dần với những thương hiệu trong nước, như Fivimart, Intimex, Rosa, Pico… cũng như một số DN có vốn nước ngoài, như BigC, Metro, Parkson. Các nhà kinh tế cho rằng, thị trường Việt Nam đã có đủ các thành phần kinh tế tham gia và đương nhiên mức độ cạnh tranh "nóng" dần lên. Nhưng, những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng vẫn chưa xuất hiện và điều đó dự báo "cơn bão lớn" với ảnh hưởng sâu rộng sẽ xuất hiện trong tương lai gần, nhất là khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực phân phối theo hình thức 100% vốn ở Việt Nam. Thậm chí, có những đánh giá cho rằng sẽ xuất hiện tình trạng đào thải do cạnh tranh khắc nghiệt và sẽ có sự phá sản, sáp nhập...
Các doanh nghiệp đã chủ động vào cuộcThị trường nước ta vẫn còn nhiều "đất trống", bởi kênh bán hàng hiện đại mới chiếm khoảng 20% doanh số, lại phân bố chưa đều. Hệ thống phân phối còn mỏng, chưa đạt trình độ quốc tế, nên thật sự là địa hạt hấp dẫn và tiềm năng cho các dòng vốn đầu tư, nhất là vốn ngoại.
Từ thực tiễn trên, các DN đang nỗ lực mở rộng hệ thống phân phối, vươn về các tỉnh, địa bàn thuộc khu vực đồng bằng, kể cả vùng xa để tăng cường sự hiện diện, quảng bá hình ảnh và tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"… Phần lớn DN đều ý thức rõ về sự đe dọa mất thị phần, cũng như yêu cầu phát triển, nếu không muốn bị thua trên "sân nhà" nên hướng mạnh vào việc triển khai những kế hoạch có tầm vóc để mở rộng quy mô, tầm hoạt động. Những đơn vị đầu đàn, như Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Tập đoàn Phú Thái… đều tập trung vào việc xây mới và hoàn thiện hệ thống phân phối trên địa bàn truyền thống, kết hợp với việc mở thêm cơ sở tại các vùng, miền. Cụ thể, Hapro đang nghiên cứu đầu tư thêm hàng loạt siêu thị, điểm kinh doanh rau, thực phẩm an toàn cùng mạng lưới cửa hàng chuyên doanh. DN này đặt mục tiêu trở thành một thương hiệu phân phối bán lẻ hàng đầu cả nước vào năm 2015, thông qua việc sở hữu 2 đại siêu thị, 60 siêu thị, 30 cửa hàng tiện ích, 213 cửa hàng và điểm kinh doanh sản phẩm sạch, 300 cửa hàng chuyên doanh. Hapro cũng chủ trương đẩy mạnh liên kết, hợp tác với những đối tác tiềm năng nhằm "cộng hưởng" sức mạnh, tiềm năng của mỗi bên. Đơn vị này đã liên kết với 3 DN hàng đầu là Phú Thái, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Sài Gòn Co.op hình thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối Việt Nam nhằm huy động vốn, quỹ đất để đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại trên phạm vi toàn quốc. Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn đẩy mạnh việc hình thành chuỗi siêu thị mang thương hiệu Satramart và vươn ra hoạt động tại thị trường nước ngoài, như Hoa Kỳ, Nhật Bản... để kết hợp việc bán hàng với tiếp thị, thu thập thông tin thị trường.
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu so sánh thuần túy về sức mạnh, các DN hiện hữu không thể cạnh tranh toàn diện với những DN rất lớn sẽ xuất hiện. Nhưng hội nhập và cạnh tranh xét cho cùng là "đấu trí" giữa những nhà kinh doanh, làm sao để mỗi đơn vị phát huy hết sức mạnh, sở trường và tránh được "sóng lớn" để tồn tại. Vì vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực đang được quan tâm thích đáng để nâng cao năng lực đội ngũ theo chuẩn quốc tế, nhất là những kỹ năng về kinh doanh, khả năng ứng phó và quyết định trước tình huống bất ngờ…