Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để phòng tránh ngộ độc rượu?

Xuân Lộc| 23/10/2020 07:29

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin trong số báo ra ngày 19-10, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận điều trị cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc methanol (cồn công nghiệp) sau khi uống rượu ở cùng một đám giỗ người thân. Ngoài các hệ lụy như gây tổn hại về mặt sức khỏe, tâm thần, trật tự xã hội, tai nạn giao thông thì ngộ độc rượu luôn là vấn đề đáng báo động. Vậy, mỗi người dân cần làm gì để phòng tránh ngộ độc rượu?

Bác sĩ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc methanol.

Những hậu quả khôn lường 

Trưa 11-10 vừa qua, anh Ngô Duy H (31 tuổi ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) tham dự đám giỗ người thân và có uống khoảng 10 chén rượu. Một ngày sau đám giỗ, bệnh nhân xuất hiện tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, nôn nhiều. Đến chiều tối 12-10, bệnh nhân được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện và đã được chuyển tới Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm.

Cùng tham dự đám giỗ này, anh Trần Văn S (34 tuổi, ở tỉnh Bắc Giang) nhập viện ngày 13-10 khi có biểu hiện nhìn mờ kèm theo đau mỏi toàn thân, buồn nôn. Cách hôm vào viện 2 ngày, bệnh nhân có uống khoảng 300ml rượu (cùng với bệnh nhân Ngô Duy H). Trong ngày 14-10, Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận bệnh nhân thứ ba được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp sau khi uống rượu cùng ở đám giỗ trên.

Mẫu rượu ba bệnh nhân đã uống được mang tới Trung tâm Chống độc xét nghiệm và kết quả cho thấy, loại rượu này chứa tới 26,16 độ là cồn công nghiệp methanol, trong khi đó thành phần rượu thông thường methanol chỉ có 5,6 độ. Theo các bệnh nhân, loại rượu này được mua tại một địa chỉ bán hàng trên mạng internet và trong đám giỗ có khoảng hơn 20 người cùng uống.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay, đơn vị xét nghiệm độc chất của Trung tâm Chống độc đã triển khai được xét nghiệm sắc ký khí định lượng nồng độ các loại rượu trong máu. Đây là phương pháp rất chính xác, giúp chẩn đoán và điều trị rất nhanh các trường hợp ngộ độc rượu.

Trước sự việc này, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lo ngại, loại rượu uống nếu đúng là được nấu truyền thống từ ngũ cốc thì không bao giờ chứa lượng methanol gây ngộ độc. Methanol là một hóa chất độc. Việc nhập khẩu cồn công nghiệp methanol cho các mục đích khác nhau không phải để uống mà phần lớn sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp và pha với xăng tạo ra xăng E5. Như vậy, lượng cồn công nghiệp methanol đã được “tuồn” ra thị trường để pha thành rượu giả gây ngộ độc cho người sử dụng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý, methanol vào cơ thể cũng gây triệu chứng say giống như các loại rượu nấu truyền thống. Tuy nhiên, đến 1-2 ngày sau khi uống, methanol âm thầm được chuyển thành axit formic rất độc, kèm theo các biểu hiện như: Khó thở, tổn thương với mắt, gây nhìn mờ, mù, với não gây hoại tử não, phù não, hôn mê và dễ dẫn đến tử vong. “Ở Việt Nam, ngộ độc methanol có biểu hiện chậm và âm thầm nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt. Thậm chí, dù được cứu chữa tích cực nhưng tỷ lệ tử vong cũng lên đến 30-50%. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.

Dấu hiệu nhận biết ngộ độc methanol

Đề cập đến dấu hiệu nhận biết một người bị ngộ độc methanol, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, nếu có những biểu hiện bất thường sau khi uống rượu như: Bất tỉnh, co giật, không thể ngồi dậy, da lạnh toát tím tái, thở khò khè… cần phải lập tức sơ cứu tại chỗ và gọi xe cấp cứu để đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Hướng dẫn người dân các cách sơ cứu nạn nhân ngộ độc methanol, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, khi nạn nhân có những biểu hiện nguy hiểm kể trên của ngộ độc rượu, người thân cần phải nhanh chóng cho nạn nhân nằm trên gối và nghiêng sang một bên để tránh tình trạng nôn và hít vào phổi gây viêm phổi. Hơn nữa, không để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc đêm. Cách vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy. Nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống nên cho ăn cháo loãng để tránh hạ đường huyết. Ngoài ra, cho nạn nhân uống nhiều nước bù điện giải, không bị mất nước.

Các loại nước có tác dụng giải rượu nhẹ như: Nước gừng tươi, nước cà chua, nước canh, nước hoa quả… Nếu lay, gọi người bệnh không tỉnh, ứ đọng đờm nhiều, thở sâu, thở nhanh thậm chí co giật... hoặc có tỉnh dậy nhưng đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, chân tay lạnh, da xanh tái... cần giữ bệnh nhân ở tư thế cao đầu, nằm nghiêng an toàn và nhanh chóng gọi xe cấp cứu chuyển bệnh nhân tới các cơ sở y tế hoặc bệnh viện.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong. Ngoài ra, người dân cũng không nên uống rượu có nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Thậm chí, không nên uống rượu ngâm với lá, rễ cây, tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

Đặc biệt, người dân không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, không rõ nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Khi mua rượu cần mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, kể cả nơi bán cũng phải có đăng ký kinh doanh, việc mua bán có hóa đơn kèm mã hàng hóa nhận dạng.

Sau khi uống rượu, nếu có những biểu hiện bất thường, như: Bất tỉnh, co giật, không thể ngồi dậy, da lạnh toát tím tái, thở khò khè..., phải lập tức sơ cứu tại chỗ (cho nạn nhân nằm trên gối và nghiêng sang một bên để tránh tình trạng nôn và hít vào phổi gây viêm phổi...) và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để phòng tránh ngộ độc rượu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.