Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để phát huy hiệu quả?

Lâm Vũ| 27/08/2016 07:36

(HNM) - Từ ngày 1-9, TP Hà Nội sẽ thí điểm cho phép các nhà hàng, quán bar trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hoạt động đến 2h sáng, áp dụng trong 3 ngày cuối tuần. Quyết định nói trên được giới lữ hành cũng như dư luận ủng hộ. Tuy nhiên, khi nới thời gian, Hà Nội nên tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ ra sao để phát huy hiệu quả, thu hút khách?

Từ ngày 1-9, sẽ thí điểm thực hiện nới lỏng giờ hoạt động đêm của các hàng quán trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Khánh Huy


Hà Nội sẽ hấp dẫn hơn

Ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour cho rằng, việc nới thời gian cho hoạt động ban đêm là phù hợp với thực tế khách quan. Vietrantour cũng đã nhận được nhiều phản ánh của khách hàng rằng ngoài việc ăn tối, xem múa rối nước rồi thì ở Hà Nội không có điểm nào để họ tham quan hoặc giải trí về đêm. Suất diễn rối nước muộn thường bắt đầu vào 18h30. Sau khi kết thúc, khách thường được đưa đi ăn tối và dạo chơi chợ đêm Hàng Ngang - Hàng Đào, sau khoảng 2 - 3 tiếng thì hầu hết các cửa hàng kinh doanh phục vụ du khách tập trung ở phố cổ cũng chuẩn bị đóng cửa. Do vậy, việc cho phép mở cửa các khu vui chơi giải trí sau 12h đêm sẽ tạo điều kiện để du khách có thêm thời gian tìm hiểu văn hóa, tận hưởng không khí giải trí thú vị về khuya ở Hà Nội, đặc biệt là tại các khu phố nổi tiếng như Tạ Hiện, Đào Duy Từ, Lương Ngọc Quyến, Hàng Bè…

Theo ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, quy định không hoạt động sau 12h đêm khiến nhiều du khách cảm thấy dịch vụ du lịch ban đêm của Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu của họ, nhất là những khách du lịch trẻ tuổi. Điều đó khiến sản phẩm du lịch của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trở nên đơn điệu, thiếu sức hấp dẫn, đặc biệt là khi so sánh với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Singapore, Manila... Khách du lịch đến Hà Nội từ các thị trường xa, thị trường trọng điểm như Châu Âu, Bắc Mỹ có múi giờ chênh lệch với Việt Nam, thời điểm buổi đêm ở Việt Nam là buổi chiều tối hoặc ban ngày của họ. Do đó, sau khi kết thúc ăn tối muộn vào 21h30, khách thường có nhu cầu giải trí hoặc giao lưu trò chuyện với bạn bè tại quán bar, nhà hàng ban đêm.

"Việc nới thời gian vui chơi sau 12h đêm là một giải pháp thiết thực, hiệu quả để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu bình quân của du khách cũng như phát triển sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, vốn chưa được quan tâm đúng mức trong thời gian qua. Điều này sẽ giúp thu hút được nhiều khách du lịch trẻ tuổi, đa dạng hóa đối tượng khách du lịch đến với Thủ đô", ông Đỗ Đình Hồng khẳng định.

Tăng hiệu quả quản lý


Ông Lê Công Năng cho rằng, để phát huy hiệu quả tích cực của chủ trương này, Hà Nội cần tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, các chương trình biểu diễn nghệ thuật quy mô, hấp dẫn với lịch diễn định kỳ để phục vụ du khách giống như các nước bạn đã làm rất tốt, ví dụ như chương trình nghệ thuật Angkor Smile ở Campuchia, chương trình kịch, vũ đạo đầu bếp Nanta Show ở Hàn Quốc… "Đặc biệt, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của Thái Lan, đất nước thu hút trung bình hơn 25 triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

Quốc gia này cho phép những khu bar, vũ trường hoạt động đến 2h sáng, như khu phố đi bộ Pattaya nổi tiếng quy tụ hơn 100 quán bar, nhà hàng, cửa hàng massage, quán có phục vụ biểu diễn... từ 6h chiều đến 2h sáng, hay một số khu phố giải trí về khuya ở Bangkok như Sukumvit, Khao San luôn sẵn các quán bar hoạt động từ chiều đến tận 2, 3h sáng. Và, tất nhiên, có một số siêu thị, cửa hàng bán lẻ hoạt động 24/7 để phục vụ khách du lịch và người dân như 7-Eleven, Mom-and-Pop. Ngoài ra, đất nước này còn có nhiều tụ điểm giải trí về khuya như các rạp hát với nhiều show diễn hoành tráng, hấp dẫn du khách - bao gồm quyền Thái, Alcazar Show, Fantasea, Siam Niramit…, điều mà Việt Nam hiện nay còn thiếu", ông Lê Công Năng cho biết.

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tours cho rằng, Hà Nội nên xây dựng bộ tiêu chuẩn, điều kiện của một điểm vui chơi, giải trí được phép hoạt động sau 12h đêm một cách chi tiết. Ví dụ: Cơ sở ăn uống cần có diện tích, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, kỹ thuật, cách âm, chống ồn… ra sao để tránh ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Khi cấp phép, cơ quan quản lý nhà nước cứ chiểu theo quy hoạch, bộ tiêu chuẩn đó để cấp phép và kiểm tra.

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist đề xuất: Hà Nội tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động về đêm, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị của sở, ngành liên quan. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần chủ động đăng tải, giới thiệu danh sách các điểm vui chơi phục vụ khách đạt tiêu chuẩn về ăn, uống, biểu diễn để gợi ý cho du khách khi đến Hà Nội, đưa thông tin đó vào chương trình tour của các công ty lữ hành. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để phát huy hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.