(HNM) - Theo Bộ Xây dựng, cả nước đang tồn khoảng 16.400 căn hộ chung cư, hơn 4.100 nhà thấp tầng, hơn 25.800m2 nhà, văn phòng cho thuê. Thị trường bất động sản (BĐS) "đóng băng" kéo theo thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) cũng ế ẩm, tiêu thụ khó khăn.
Phát triển tự phát, không có quy hoạch, kế hoạch là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cung vượt cầu trong lĩnh vực BĐS. Tính đến thời điểm này, cả nước có tới hơn 20.000 dự án khu đô thị, nhà ở, với tổng diện tích gần 71.000ha đất. Riêng địa bàn Hà Nội, có khoảng 152 dự án khu đô thị có quy mô từ 20ha trở lên (chưa kể dự án nhà ở quy mô dưới 20ha), với năng lực thiết kế tới hơn 2 triệu người. Tuy nhiên, mới chỉ có 10 khu đô thị (diện tích khoảng 466ha) cơ bản hoàn thành, bước đầu đưa dân vào sử dụng; 50 dự án khu đô thị (diện tích khoảng 28.800ha) đang xây dựng hạ tầng và công trình; 92 dự án mới ở dạng được phê duyệt quy hoạch, chuẩn bị đầu tư hoặc mới thi công hạ tầng kỹ thuật. Thống kê chưa đầy đủ, lượng hàng tồn kho trong BĐS gồm 16.469 căn hộ chung cư, 4.116 nhà thấp tầng, khoảng 25.870m2 văn phòng cho thuê. Đáng lưu ý, sản phẩm không bán được chủ yếu là nhà cao cấp, biệt thự, căn hộ trung bình, trong khi loại nhà ở cho người thu nhập thấp hoặc nhà ở xã hội vẫn thiếu nghiêm trọng.
Phát triển nhà ở xã hội là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Ảnh: Ngọc Thắng |
Hệ lụy của tình trạng "đóng băng" BĐS là tình trạng ế ẩm trong lĩnh vực VLXD. Gạch ốp lát, VLXD nung và không nung, nhất là kính xây dựng tồn kho khá lớn, tương đương sản lượng 2 tháng sản xuất. Riêng xi măng, công suất hiện chỉ bằng 85% thiết kế. Sản lượng xi măng 10 tháng đạt 44 triệu tấn, tiêu thụ 44,1 triệu tấn, lượng hàng tồn kho lũy kế khoảng 2,57 triệu tấn, tương đương 17 ngày sản xuất. Tổng Công ty Công nghiệp xi măng có lượng tồn kho khoảng 1,55 triệu tấn, tương đương 20 ngày sản xuất.
Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để phá "băng" BĐS, từ đó khai thông tồn kho VLXD? Bộ Xây dựng cho rằng giải pháp tháo gỡ khó khăn cho BĐS là phát triển nhà ở xã hội. Đây là loại hình nhà ở thị trường còn thiếu, đồng thời là loại nhà ở sử dụng VLXD sản xuất trong nước. Như vậy sẽ vừa nhắm đến mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, vừa tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho người nghèo, vừa góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Về giải pháp cụ thể, Bộ Xây dựng đang rà soát lại các dự án BĐS, dự án chưa triển khai (chiếm khoảng 60%) yêu cầu chủ đầu tư cơ cấu lại loại hình sản phẩm, tăng tỷ lệ nhà ở xã hội theo chiến lược nhà ở đã được phê duyệt. Cùng với đó, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu mở tín dụng đối với nhà đầu tư, người mua nhà để ở, nhất là với đối tượng mua nhà ở xã hội. Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho miễn giảm thuế VAT cho cá nhân mua nhà để ở (kể cả nhà ở thương mại); cho phép doanh nghiệp đầu tư nhà hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán nhà, cho thuê nhà nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn. Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cho doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở. Thị trường BĐS và VLXD có sự liên thông với nhau, khi thị trường BĐS gỡ được nút thắt, chắc chắn thị trường VLXD cũng sẽ giải quyết được lượng hàng tồn kho. Tuy nhiên, để nhanh chóng xử lý hàng tồn VLXD, bên cạnh BĐS, cũng cần tăng tổng cầu đầu tư công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.