Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để “giữ lửa”?

Thanh Hiền| 06/09/2010 07:06

(HNM) - Định Công (nay là phường Định Công thuộc quận Hoàng Mai) là một trong 4 làng nghề kim hoàn truyền thống của vùng đồng bằng Bắc bộ, đã có thời người người làm kim hoàn, nhà nhà thổi bễ, đỏ lò. Sản phẩm của làng Định Công đã được xuất khẩu đi nhiều nước. Giờ đây, làng trở thành phường, lớp trẻ không còn mấy người yêu thích nghề cổ truyền.


Tự hào một làng nghề

Nghệ nhân Quách Văn Trường năm nay đã ngoài 70 tuổi cho biết, nghề kim hoàn Định Công có từ lâu đời, với những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Nghề do ba anh em họ Trần truyền lại. Ghi nhớ công ơn, những người trong nghề đã tôn họ làm ông tổ nghề kim hoàn Việt Nam. Nghề kim hoàn Định Công độc đáo ở chỗ đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao. Người làm nghề phải nắm chắc 4 kỹ thuật cơ bản: Trơn, Đấu, Đậu, Chạm. Trơn là kỹ thuật lên sản phẩm, kết hợp gò sao cho hình khối đúng tiêu chuẩn. Đấu là kỹ thuật lắp ráp các chi tiết hài hòa, cân đối. Chạm là khắc hình, hoa văn. Và Đậu là kỹ thuật kéo bạc thành chỉ, sau đó se thành sợi mảnh như sợi tóc, tạo họa tiết hoa văn trang trí.

4 kỹ thuật này đều có những nét đặc thù nhưng Đậu là kỹ thuật gồm nhiều yếu tố tạo nên sự độc đáo của sản phẩm. Sản phẩm Đậu bạc đạt yêu cầu phải đều tay, hàn luột, không đọng vảy, các chi tiết hài hòa tinh tế. Bạc để đậu phải là thứ bạc tốt để khung sản phẩm bảo đảm độ cứng, bóng. Còn bạc kéo sợi phải là bạc nguyên chất mới rút được thành những sợi chỉ mỏng. Hai sợi chỉ bạc được tết lại tạo vân rồi đem cán thành một. Người thợ với chiếc kìm nhỏ, đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ xếp những sợi bạc thành những bông hoa, họa tiết nhỏ... Mỗi một sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật khắt khe về kỹ thuật, tinh túy ở giá trị thẩm mỹ. Tùy mẫu mã sản phẩm mà người thợ pha chế thêm các kim loại khác sao cho phù hợp. Công phu, cầu kỳ nên mỗi sản phẩm của làng Định Công làm ra khó có thể lẫn với sản phẩm của làng nghề khác. Chính vì sự tỉ mỉ của nghề này nên để trở thành một người thợ "Đậu" giỏi phải mất nhiều công phu. Người học việc mất nhiều năm mới tạm thông thạo những kỹ thuật đơn giản như kéo bạc thành chỉ, se chỉ thành sợi, đủ tư cách làm thợ phụ. Muốn trở thành thợ chính, đủ sức kiếm cơm thiên hạ còn phải học thêm 5-7 năm.

Gian nan giữ nghề


Chạm khắc bạc mỹ nghệ tại làng nghề Định Công.

Đã có một thời thợ kim hoàn Định Công làm không hết việc. Thời bao cấp, nhà nước quản lý chặt chẽ vàng, bạc nên thiếu nguyên liệu sản xuất. Để duy trì nghề, những thợ Định Công đã có sáng kiến chuyển từ Đậu bạc sang Đậu đồng. Để có nguyên liệu phục vụ sản xuất, người dân phải đi thu mua từ chiếc công tơ, biến thế, đến chiếc quạt hỏng rồi về tháo lấy dây đồng làm hàng. Sản phẩm làm ra có tính mỹ thuật cao, tinh xảo không hề thua kém hàng làm từ bạc, vàng và đã được xuất sang châu Âu. Người làng vẫn tự hào đã duy trì được ngọn lửa nghề của cha ông.

Chuyển sang cơ chế thị trường, nghề kim hoàn Định Công đối mặt với nguy cơ mai một. Các sản phẩm chế tác dù thường xuyên thay đổi mẫu mã song việc tiêu thụ vẫn rất khó khăn. Tiền công thấp, lớp trẻ không mặn mà với nghề, họ chuyển sang làm những việc có thu nhập cao hơn.

Trước nguy cơ nghề truyền thống bị mai một, năm 2005 Liên minh HTX Việt Nam cùng UBND quận Hoàng Mai tổ chức lớp dạy nghề cho gần 30 học viên trong vòng 3 tháng. Năm 2006 Chi hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Định Công được thành lập. Chi hội mở thêm một lớp đào tạo kim hoàn cho 18 học viên và năm 2008 mở lớp cho 8 học viên. Năm nay Chi hội sẽ chiêu sinh đào tạo cho khoảng 30 học viên nghề Đậu bạc. Nhưng 3 tháng học nghề là chưa đủ, trong khi những nghệ nhân ngày càng hiếm hoi. Để có được lớp thợ giỏi, rất cần sự quan tâm của thành phố và ngành chức năng hỗ trợ kinh phí đào tạo để nghề kim hoàn Định Công tiếp tục phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để “giữ lửa”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.