Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm gì để bảo tồn cây thuốc quý?

Chí Kiên| 04/06/2016 07:42

(HNM) - Người Dao xã Ba Vì (huyện Ba Vì) hiện đang lưu giữ nghề làm thuốc Nam từ nhiều đời nay. Tuy nhiên việc bảo tồn nghề truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Dao thông qua việc bảo vệ nguồn gen cây thuốc chỉ mọc ở vùng núi cao Ba Vì đang là bài toán nan giải.

Người dân Ba Vì thu hái lá thuốc.


Những người giữ kho thuốc quý

Nằm khuất bên sườn Đông núi Ba Vì, bản người Dao Yên Sơn, xã Ba Vì có đời sống tương đối và tách biệt. Vì địa hình đặc trưng đồi núi hiểm trở nên từ bao đời nay người Dao nơi đây có cuộc sống gắn chặt với rừng. Ông Lý Sinh Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì, là người Dao Yên Sơn, có nghề làm thuốc Nam, đã dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản. Ấn tượng đầu tiên là đường sá ở Yên Sơn bây giờ được bê tông hóa, nhà văn hóa và nhà trẻ mẫu giáo được xây dựng kiên cố, khang trang. Chạy xe trên con đường độc đạo qua thôn bản, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những ngôi nhà cao tầng nằm giữa núi rừng xanh ngát. Dừng chân giữa một không gian thoáng đãng, ông Lý Sinh Vượng chỉ tay về hướng một ngôi nhà cao tầng nằm lấp ló dưới tán cây rừng, nói: "Nhiều gia đình người Dao ở đây đổi đời nhờ cây thuốc Nam đấy anh ạ!".

Chúng tôi rẽ vào nhà ông Lý Văn Nguyên, một thầy thuốc có tiếng ở bản Dao Yên Sơn. Căn nhà 3 tầng rộng rãi, khang trang dành phần lớn diện tích các phòng làm kho chứa thuốc. Ông Nguyên tự hào có kho thuốc Nam lớn nhất trong vùng; việc cất các vị thuốc trên tầng cao là để bảo đảm chất lượng được tốt nhất. Sở hữu nhiều bài thuốc quý gia truyền, ông Nguyên còn dành tới 6 năm học về Đông y để phát triển thêm nhiều bài thuốc chữa nhiều loại bệnh khác nhau như phong tê thấp, dạ dày, đại tràng, gan, thận, ngoài da, xoang mũi, trĩ nội, trĩ ngoại, động kinh… Hằng ngày, ngoài thời gian khám chữa bệnh, ông Nguyên còn tìm tòi, và nghiên cứu các bài thuốc mới. Hiện nay, để lưu giữ được các bài thuốc gia truyền và phát huy kiến thức đã học, ông Nguyên đã gây dựng vườn thuốc Nam lớn nhất xã với diện tích 1,4ha nằm ngay dưới chân núi Ba Vì. Vườn thuốc hiện đang gieo trồng và lưu giữ khoảng 200 loài cây thuốc Nam khác nhau.

Khi chia sẻ về nghề thuốc của mình, điều lương y Lý Văn Nguyên băn khoăn nhất là nguồn cây thuốc đang dần bị cạn kiệt. "Thuốc Nam gia truyền của người Dao có gần 400 vị. Một số vị thuốc quý đến nay có nguy cơ thất truyền và ít người biết, vì loài cây đó không còn tồn tại". Dù đã chủ động trồng được hàng trăm vị thuốc khác nhau tại vườn nhà để bốc thuốc trị bệnh, nhưng theo ông Nguyên, "có những cây thuốc trồng trong vườn chỉ để tham khảo hoặc giới thiệu với khách khi đến thăm vườn. Những loài cây như hoa tiên, sâm và một số vị thuốc chữa ung bướu… phải được trồng trên núi ở độ cao 700-800m mới bảo đảm tính dược, trồng thấp hơn độ cao này vị thuốc sẽ giảm tác dụng".

Chung nỗi lo với lương y Lý Văn Nguyên, bà Triệu Thị Thanh, được dân trong bản Dao Hợp Sơn mệnh danh là "người giữ kho thuốc Nam gia truyền", cũng luôn trăn trở: Làm thế nào để lưu giữ, phát huy được nghề truyền thống? Bà Thanh kể, từ nhỏ đã theo cha mẹ lên núi hái thuốc và trong trí nhớ của bà: "Hồi ấy tìm vị thuốc dễ dàng, nguồn thuốc phong phú, bây giờ trên rừng đã cạn kiệt, nhiều vị thuốc thất truyền vì loài cây thuốc đã tuyệt chủng". Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Thanh buồn bã kể ra hàng chục vị thuốc quen thuộc rất cần cho các bài thuốc Nam của người Dao hiện nay đang có nguy cơ tuyệt chủng như dây huyết đằng, cây tăng lực (còn gọi là cây B1), cây máu người, cây kim ngân, củ dòm… Ý thức được việc bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý có vai trò đặc biệt quan trọng để duy trì nghề truyền thống, lương y có hơn 60 năm gắn bó với nghề thuốc Nam đã cùng con cháu trong gia đình gây dựng vườn cây thuốc với hơn 100 loài khác nhau. Bà Triệu Thị Thanh tự hào kể: "Chúng tôi chăm sóc và giữ gìn cây thuốc như bảo bối trong nhà. Vì mỗi loại cây phải đủ độ tuổi mới được thu hái để bảo đảm tính dược cao nhất".

Trăn trở nghề truyền thống

Ông Lăng Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì cho biết, xa xưa người Dao cư trú trên lưng chừng núi, đốt rừng làm nương, thu hái sản vật trong rừng. Và nghề thuốc Nam của người Dao phụ thuộc nguyên liệu chủ yếu vào rừng Ba Vì. Sau cuộc vận động "hạ sơn" vào năm 1968, đặc biệt từ khi thành lập Khu bảo tồn Vườn Quốc gia Ba Vì năm 1991, đồng bào Dao sống rải rác trên các sườn núi cao được di chuyển xuống định cư dưới chân núi như hiện nay. Trong quá trình định canh, định cư dưới chân núi Ba Vì, nghề thuốc Nam đã trở thành điểm tựa của hàng trăm hộ dân người Dao. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức cộng với việc "cấm rừng" kể từ khi thành lập Vườn Quốc gia Ba Vì đã khiến nghề này gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn dược liệu. Theo một thống kê, đến thời điểm hiện nay, gần 300 loài cây thuốc Nam đang rơi vào tình trạng cạn kiệt, trong đó có hơn 100 loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ông Lăng Văn Hà nói: "Thiếu nguyên liệu nhưng hầu hết các hộ dân người Dao không ai muốn bỏ nghề truyền thống, họ đã tìm mọi cách để duy trì nguồn dược liệu ở vườn nhà; đi tìm thuốc ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang…".

Xã Ba Vì hiện có hơn 500 hộ dân với khoảng 2.200 nhân khẩu, diện tích đất tự nhiên rất lớn (2.540ha), nhưng phần lớn diện tích này nằm trong Vườn Quốc gia Ba Vì, diện tích xã quản lý trực tiếp chỉ có 340ha. Ông Dương Trung Liên, Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết: "Vì diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá thấp (21ha) nên nghề thuốc Nam đang là ngành kinh tế mũi nhọn cho khoảng 60% hộ dân trên địa bàn xã". Cũng theo ông Liên, đứng trước nguy cơ thất truyền nhiều vị thuốc quý, các hộ gia đình người Dao đã tự ý thức bảo tồn nguồn gen, tìm cây thuốc về trồng tại vườn nhà với tổng diện tích đến thời điểm này khoảng 5ha.

Một vấn đề đặt ra hiện nay với xã Ba Vì là thu nhập của người dân phụ thuộc phần lớn vào nghề thuốc Nam. Con số thống kê mới nhất của UBND xã cho biết, thu nhập bình quân ở đây chỉ đạt 11 triệu đồng/người/năm và hiện đang có khoảng 48% số hộ nghèo. "Con đường thoát nghèo tốt nhất hiện nay cho người Dao Ba Vì là duy trì, phát triển nghề thuốc Nam truyền thống. Muốn làm được điều này vấn đề cấp bách hiện nay là bảo tồn cây thuốc bằng cách cung cấp cây giống để từng bước mở rộng diện tích trồng cây thuốc trong dân" - ông Dương Trung Liên đề xuất. Cùng quan điểm, lương y Lý Văn Nguyên cho rằng: "Bảo tồn cây thuốc Nam không dễ dàng vì không phải ở đâu, ở chỗ nào cũng trồng được cây thuốc. Để bảo đảm dược tính tốt nhất, tôi đề xuất dành diện tích đất để nhân giống và trồng tập trung những loài cây thuốc yêu cầu khí hậu, thổ nhưỡng ở trên vùng núi cao". Theo ông Nguyên, trồng cây thuốc ở độ cao 600m -700m nằm trong diện tích bảo vệ của Vườn Quốc gia Ba Vì, tuy nhiên "nếu không trồng ở độ cao này thì cây thuốc sẽ giảm chất lượng, không mang lại hiệu quả".

Một đặc điểm cần lưu ý với nghề thuốc của người Dao Ba Vì là phải kết hợp chặt chẽ giữa kinh nghiệm dân gian và môi trường sinh thái nơi cư trú. Thực tế cho thấy môi trường sinh thái của vùng rừng núi Ba Vì đã giúp cho việc bảo tồn nghề thuốc Nam và đang được người dân nơi đây duy trì theo kinh nghiệm dân gian. Ngoài việc trồng cây thuốc trong vườn nhà, những người Dao lớn tuổi ở Ba Vì có nhiều kinh nghiệm trồng cây và bào chế thuốc đã truyền lại cho lớp con cháu trong gia đình.

Bà Triệu Thị Thanh cho biết, "từ các loại cây thuốc có trong vườn tôi đã chữa được nhiều nhóm bệnh khác nhau. Cách trồng, chăm sóc cây thuốc và phương pháp bào chế tôi đang dạy lại cho con dâu, con gái và các cháu gái trong gia đình". Bà Triệu Thị Bình, một lương y đang chăm sóc vườn thuốc rộng 2.000m2, cho rằng: "Muốn duy trì, phát triển bền vững nghề thuốc Nam của người Dao, việc cần làm nhất hiện nay là quy hoạch vườn thuốc tập trung, trong đó bảo tồn những cây thuốc quý, mọc trên vùng rừng núi cao Ba Vì phải là việc làm ưu tiên trước hết". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để bảo tồn cây thuốc quý?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.