Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm được việc khó cũng là điều hay

Thi Thi| 02/10/2011 06:10

(HNM) - Tái bản, đưa


Dịch giả Đoàn Tử Huyến.

- Thưa dịch giả, có nhận xét rằng việc chuyển ngữ thành công tác phẩm khó của nhà văn lớn nước Nga Mikhail Bulgacov đã góp phần đưa ông vào hàng những dịch giả tên tuổi của Việt Nam. Lý do để "Nghệ nhân và Margarita" trở lại sau lần ra mắt bản dịch tiếng Việt đầu tiên cách đây 20 năm?

- "Nghệ nhân và Margarita" là cuốn tiểu thuyết lớn nhất của M.Bulgacov, một trong những đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ Nga. Có thể nói đây là công trình dịch thuật lớn nhất, công phu và tâm đắc nhất của tôi. Tuy nhiên, khác với ở nước Nga và phương Tây, kiệt tác này không thật sự phổ biến ở Việt Nam. Dịp 65 năm sau khi tác phẩm ra đời, chúng tôi đã tái bản bản tiếng Việt trong một nỗ lực tiếp tục đưa M.Bulgacov đến gần hơn nữa với bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi, thế hệ mà tôi hy vọng sẽ dễ dàng tiếp cận "Nghệ nhân và Margarita" hơn. Vào tháng 9-2011, tác phẩm này đã được nhận giải Sách hay 2011 tại TP Hồ Chí Minh.

- Hình như đã lâu ông không còn dịch nữa mà tập trung cho việc nghiên cứu, làm sách. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc về bộ sách biên soạn gồm hai cuốn dành cho thiếu nhi vừa ra mắt là "108 tác phẩm văn học …" và "107 nhà văn đoạt giải Nobel" (NXB Kim Đồng)…

- Thi thoảng tôi vẫn dịch truyện ngắn. Còn nói chung là đang cảm thấy công việc nghiên cứu xuất bản tài liệu từ vốn cổ của cha ông thu hút mình. Hai cuốn sách mới biên soạn là tôi học cách làm của nước ngoài. Như ở Nga, có hàng trăm bộ sách được biên soạn như vậy, giúp người đọc nắm bắt thông tin nhanh, chính xác, có hệ thống, như "100 tướng lĩnh vĩ đại", "100 nhà văn vĩ đại"… Lúc đầu, tôi cũng định mua bản quyền dịch, nhưng như thế thì gò bó. Tôi biên soạn hai tác phẩm này từ sự hiểu biết và trách nhiệm của chính mình đối với bạn đọc. Con số 108 là lựa chọn ngẫu nhiên, phù hợp với văn hóa phương Đông. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục cách làm này cho ra các bộ sách như "108 bộ phim…", "108 đồ vật…"… Hiện nay, cuốn "108 nhà văn thế kỷ XX-XXI" (chừng hơn 600 trang) chuẩn bị ra mắt bạn đọc. Cuốn sách này cũng sẽ được đưa vào hồ sơ điện tử về các nhà văn Việt Nam mà chúng tôi đang chuẩn bị thực hiện.

- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về ý tưởng lập hồ sơ tư liệu điện tử về các nhà văn Việt Nam, cũng như quá trình thực hiện công việc này?

- Hồ sơ này sẽ nằm trên trang web biblio.vn về giới thiệu quảng bá sách mà chúng tôi đã xây dựng và đang tiếp tục hoàn thiện. Trong đó, chúng tôi sẽ tập hợp dần tài liệu, gồm tiểu sử, các tác phẩm, các bài viết… về các nhà văn Việt Nam; các sự kiện văn chương trong lịch sử… Đây là nguồn tư liệu lớn phục vụ cho công việc làm sách, nghiên cứu, giới thiệu văn hóa Việt Nam. Điểm khác biệt của hồ sơ mà chúng tôi hướng tới chính là sự bảo đảm tính chính xác về thông tin. Phần nào, nội dung nào đã thẩm định kỹ càng sẽ được xác định rõ. Phần nào còn băn khoăn thì cũng nói rõ để bạn đọc biết, chủ động trong việc tham khảo, trích dẫn.

Hiện nay, trong số hơn 3.000 tác giả văn học Việt Nam thế kỷ XX dự định đưa vào hồ sơ, chúng tôi đã tập hợp được thông tin về 1.400 tác giả. Với một số nhà văn, chúng tôi phải tiến hành thu thập tài liệu trong nhiều năm liền.

- Lại nói về các tác phẩm bìa cứng, số trang lớn, thông tin tư liệu rất kén bạn đọc như "Quốc triều Hương khoa lục" của Cao Xuân Dục hay "Tuyển tập thơ chữ Hán Cao Bá Quát"… Vì sao ông vẫn "lao" vào làm những sách này?

- Lại nói việc dịch thuật, những năm gần đây tôi ít dịch hơn vì thấy trong vốn cổ của cha ông còn mênh mông biển tư liệu có thể khai thác làm sách để phổ biến rộng rãi. Khó thì đã rõ rồi. Kén người đọc, phải làm rất kỹ lưỡng thì cũng rõ rồi, nhưng thâm tâm thấy cần phải làm thì cố làm thôi. Vả lại, làm được việc khó cũng là điều hay.

Còn một nguyên nhân nữa, là thời điểm này rất cần bổ sung tư liệu. Bởi lẽ trải qua một thời gian dài chiến tranh liên miên, rồi lại dựng xây đất nước, chúng ta chưa hình thành thói quen lưu trữ tài liệu. Muốn nghiên cứu gì, viết gì cũng khó… Dạng tài nguyên này không giống như nhiều tài nguyên khác, càng khai thác sẽ càng tốt, càng đỡ lãng phí.

- Vừa rồi, hình như ông cũng có cuốn "Từ điển đường phố Hà Nội" lọt vào chung khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội?

- Cuốn sách đó lấy tên khác nên không nhiều người biết là của tôi. Thực tình, tác phẩm được chú ý bầu chọn khách quan như vậy cũng đáng mừng. Tuy nhiên, đây cũng là công trình tôi tự thấy chưa ưng ý lắm. Sắp tới, chúng tôi dự định làm lại cuốn "Từ điển địa danh Hà Nội", công phu hơn.

- Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Văn học nước ngoài, Hội Nhà văn Hà Nội, ông có thể chia sẻ về chất lượng sách dịch trong số tham gia Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm nay?

- Chưa có thể nói gì trước. Có thể sẽ có giải cho sách dịch mà cũng có thể không, nhưng tôi đang chú ý đến tác phẩm dịch thơ Olga Berggoltz của dịch giả Thụy Anh. Đây là một bản dịch công phu và có nghiên cứu kỹ lưỡng.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm được việc khó cũng là điều hay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.