(HNM) - Xu hướng lạm dụng ngôn ngữ thường được dùng trao đổi trên mạng xã hội với ký hiệu kèm số, chữ viết hoa, chêm nhiều từ tiếng Anh của thanh, thiếu niên hiện nay đang có chiều hướng gia tăng.
Bà Nguyễn Thị Giang (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) rất lo lắng khi thấy đứa con trai 15 tuổi vốn ngoan ngoãn, sống rất tình cảm của mình ngày càng trở nên khác lạ. Cậu bé ít tâm sự, chia sẻ với mẹ, nói năng cụt ngủn, hay chêm vào những từ tiếng Anh, thốt lên những từ cảm thán mà bà chưa từng nghe thấy. Lặng lẽ quan sát con trao đổi với bạn bè, bà càng hoảng hơn vì không thể hiểu được con mình viết, nhắn tin, "chat" với bạn nội dung gì. Không chỉ vậy, ngay cả trong vở viết, nhật ký, cậu bé cũng dùng rất nhiều ký hiệu lạ kèm số, chữ viết hoa khiến bà hoa cả mắt.
Trao đổi với những người bạn có con cùng lứa tuổi, bà Giang thấy họ cũng có cùng nỗi lo như mình. Thay vì viết "i" thì con viết "j", hoặc thích viết "f" thay cho "ph", "w" thay cho "qu"… Trong vở ghi bài và nhật ký cũng vậy, các cháu viết "2!" nghĩa là "hi!"; "G9" thay cho "good night"; "9xac" thay cho "chính xác", thậm chí khó hiểu hơn "Cu =" thay cho "đồng bằng". Những từ tiếng Việt có hẳn hoi nhưng các bạn trẻ chỉ dùng tiếng Anh như MC (người dẫn chương trình), online (trực tuyến), shopping (mua sắm)… Đồng loạt, các cháu ở tuổi mới lớn chào nhau bằng tiếng "bai" thay cho "tạm biệt". Khi cần bày tỏ tình cảm, các cháu dùng "Oh my god" để kêu trời hoặc từ cảm thán "vãi"… Đáng buồn hơn, không chỉ những thanh, thiếu niên mới lớn bị ảnh hưởng bởi cách sử dụng ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết kiểu như trên mà đến cả một số người ở tuổi trưởng thành cũng bị ảnh hưởng, lây nhiễm…
GS.TS ngôn ngữ học Nguyễn Văn Khang cho rằng, từ xa xưa đã có nhiều nhóm xã hội có phong cách ngôn ngữ riêng. Những người lái trâu có tiếng lóng của lái trâu; ngôn ngữ của người lao động khác người bình thường; ngôn ngữ người trẻ khác hẳn ngôn ngữ người già… Các ngôn ngữ này phù hợp với cuộc sống, công việc của người sử dụng và được xã hội chấp nhận. Ngày nay, điện thoại di động, máy tính kèm theo hàng loạt những ứng dụng như internet, nhắn tin, trò chơi điện tử… đã trở thành thông dụng với người Việt Nam, đặc biệt được giới trẻ ưa thích. Tuổi trẻ thích phô trương, thích thể hiện cái tôi, cái riêng biệt của mình. Tuổi trẻ cũng thích những cái mới, thích bắt chước, tìm tòi, khiến thứ ngôn ngữ khác biệt đó như một trào lưu thời thượng, được lan truyền rất nhanh. Nhiều bạn trẻ thích trưng nhật ký cho nhiều người xem, thích trình diễn nhiều cách dùng ký hiệu mới lạ, càng nhiều người không hiểu càng tốt. Không chỉ vậy, trên nhiều trang điện tử, báo mạng khi thông tin thường dùng câu theo văn phong khẩu ngữ, nghĩ sao viết vậy; có nhiều lỗi chính tả; rồi ngay cả những bài hát cũng có nhịp điệu nhanh, ca từ ngắn… Điều này vô tình cổ súy, tác động đến lớp trẻ. Những ngôn ngữ giao tiếp trên mạng hay qua nhắn tin là ngôn ngữ cá nhân. Mỗi con người phải phân biệt rõ và có cách ứng xử với gia đình, nhà trường, xã hội khác với ứng xử trên mạng.
Thẳng thắn nhìn nhận, xu hướng đổi mới, sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều tiện ích phù hợp với nhịp điệu sống ngày càng nhanh trong xã hội… Dù vậy, việc các bạn trẻ lạm dụng, thường xuyên sử dụng điện thoại di động, internet đang dần để lại một hệ quả khó lường. Nhiều học sinh ở các lứa tuổi, sinh viên đại học, nhân viên văn phòng đưa ngôn ngữ viết, ngôn ngữ nói trên mạng, qua tin nhắn vào cuộc sống hằng ngày, áp dụng vào mọi tình huống, mọi lúc, mọi nơi. Việc sử dụng trong một thời gian dài, liên tục đã khiến nhiều thanh, thiếu niên rất khó nhọc với những yêu cầu tưởng như sơ đẳng: Viết đúng chính tả, đặt câu đúng ngữ pháp, sử dụng từ ngữ phù hợp, đúng ngữ nghĩa. Điều này còn gây khó khăn rất nhiều cho họ trong ứng xử, giao tiếp ở nơi công cộng, nơi tôn nghiêm…
Để thế hệ trẻ nhận rõ giới hạn, không lạm dụng ngôn ngữ mạng trong giao tiếp, cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và các phương tiện truyền thông giúp giới trẻ biết phân biệt rõ giới hạn và ứng xử đúng đắn. Trong đó, gia đình có vai trò rất quan trọng, tình yêu thương và sự gương mẫu của cha mẹ, người thân chắc chắn là tấm gương tốt giúp trẻ hình thành thói quen lành mạnh, biết sử dụng ngôn ngữ khôn ngoan, đúng nơi, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.