Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm đẹp cho đời

Văn Định| 09/02/2011 06:13

(HNM) - Mỗi độ Xuân về du khách trong và ngoài nước lại có dịp chiêm ngưỡng một sản phẩm văn hóa đặc sắc của người dân TP Hồ Chí Minh, đó là Hội hoa Xuân. Để có những ngày hội mang giá trị tinh thần đặc biệt, nhiều nghệ nhân đã âm thầm lao động, cống hiến. Với họ, nghề trồng hoa, cây cảnh không chỉ đơn thuần là "cần câu cơm" mà còn là thú vui, niềm khát khao vươn tới những giá trị nhân văn cao đẹp.

Đèn lồng trên đường hoa Nguyễn Huệ, TP Hồ Chí Minh.

Giữa những năm 80 của thế kỷ trước, nghề trồng hoa, cây cảnh của TP Hồ Chí Minh bắt đầu phát triển mạnh, đến nay đã có gần 5.000 nghệ nhân. Trong số đó có gần 50 nghệ nhân "cây đa cây đề" đã nhiều năm liền gắn bó với Hội hoa Xuân như: Tư Bay (quận 12), Thanh Tâm (quận 12), Minh Tân (Củ Chi), Tấn Lực (Thủ Đức), Viết Hòa (Bình Tân)...

Dù được thừa hưởng nghề trồng hoa, cây cảnh của cha ông đi trước nhưng khi tự mình bước vào thế giới của hoa, cây cảnh, nghệ nhân Minh Tân vẫn như một đứa trẻ tập đi. Anh cho biết: "Khi bắt đầu vào nghề cũng là lúc tôi "lang bạt kỳ hồ" tìm đến những nghệ nhân có tiếng các làng hoa để trau dồi kiến thức, rồi quay về Củ Chi quê mình "dụng võ". Tuy nhiên, để sống và tồn tại với nghề cần phải có nguồn vốn, nên mỗi ngày tôi phải đi hàng chục cây số để chở hoa, cây ra chợ Tân Bình bán, nhưng được hơn một năm thì không bán được nữa. Lúc này buộc lòng tôi phải thuê một miếng đất nhỏ ở Gò Vấp để sản xuất hoa, cây cảnh, rồi ngày qua ngày đi bỏ mối cho những cơ sở kinh doanh, nhưng tiền thì họ trả "đồng lặn đồng mọc", rồi thì cụt vốn luôn!".

Khu vườn lan Gia Huy (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân), của nghệ nhân Trần Văn Bạch rộng trên 11.000m2 có hơn 50.000 cây lan các loại đang khoe sắc. Thế nhưng ít ai biết rằng, để có được chỗ đứng cho cây lan của mình, nghệ nhân đã phải nhiều đêm rơi nước mắt. Anh nhớ lại: "Những năm đầu tiên có lúc lan chết hàng loạt mà không biết bệnh gì. Tôi đã mất ăn, mất ngủ và mất cả tinh thần vì nó! Những giống lan Thái như: Kagamaka, Vandatek, Aranda…; đặc biệt là giống lan Lenadegon giá rất cao nhưng lại chết liên tục, bởi mình chưa có kinh nghiệm cũng như nắm bắt kỹ thuật trồng. Thế là vốn vay hơn 100 triệu đồng của tôi ở Ngân hàng NN&PTNT huyện Bình Chánh và tiền bạc trong nhà "không cánh mà bay". Vợ tôi khuyên bỏ nghề, kiếm việc khác làm nhưng tôi cứ chần chừ, bà giận quá bồng con về quê sống với cha mẹ đẻ". Tuy giờ đây, vườn lan Gia Huy được xem là một trong những vườn lan có sức hấp dẫn, thu hút khách nhất TP Hồ Chí Minh, nhưng nghệ nhân vẫn rất băn khoăn: "Tất cả những giống lan hiện nay ở nước ta và khu vực đều phụ thuộc vào Thái Lan và giá rất đắt. Một khi hoa lan không mang tên Việt Nam thì đừng nói chuyện xuất khẩu hay cạnh tranh trên thị trường thế giới".

Gắn bó với nhành hoa, cây cảnh từ thuở thiếu thời, nên nghề như đã ăn sâu vào máu thịt của nghệ nhân Minh Tân. Dù bao nhiêu lần gặp trắc trở, thất bại nhưng anh vẫn luôn miệt mài, kiên trì đeo đuổi để đến hôm nay nhìn khu vườn trên 50.000m2 (ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi), mọi người không khỏi choáng ngợp. Anh nói: "Phần lớn những nghệ nhân đến với nghề trồng hoa, cây cảnh đều có chung một tâm hồn gắn với thiên nhiên, nên trong sự sáng tạo của họ đều xuất phát từ cái thần. Giờ đây, niềm đam mê lớn nhất của tôi là trồng cây cảnh, nhất là Bonsai. Điều đặc biệt là dù cùng một loại cây nhưng ở chậu Bonsai này có kiểu dáng này, còn chậu Bonsai khác lại có kiểu dáng khác. Chính điều đó khiến tôi thích thú, tò mò và muốn được khám phá".

Nhiều người chơi Bonsai ở TP Hồ Chí Minh đều biết, cặp Bonsai mai chiếu thủy có tên: "Tam cương ngũ thường" của nghệ nhân Thanh Tâm đã nhiều năm liền đoạt Huy chương Vàng tại Hội hoa Xuân thành phố. Đặc biệt, tại các kỳ Festival sinh vật cảnh, cặp Bonsai này tiếp tục đoạt giải "Vàng đặc biệt" và được khách hàng đặt mua với giá 400 triệu đồng nhưng Thanh Tâm nhất quyết không bán. Anh cho biết: "Nói đến nghề là nói đến việc làm nuôi sống bản thân và gia đình mình, nhưng với nghề trồng hoa, cây cảnh thì không đơn thuần chỉ để nuôi sống mà nó còn là người bạn tri kỷ của chính mình. Do đó, có khi những chậu hoa, cây cảnh tôi làm ra chỉ để thưởng thức, bởi được ngắm nhìn chúng mỗi ngày, được chăm sóc nâng niu là mình cảm thấy hạnh phúc". Trên 30 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Thanh Tâm không chỉ xem hoa, cây như những người bạn tri kỷ mà anh còn muốn "xã hội hóa" kiến thức về hoa, cây cảnh cho mọi người để họ cũng giống như anh. Xuất phát từ ý nghĩ đó, anh quyết định thành lập Trường Nghệ thuật Bonsai Thanh Tâm (ở phường Tân Thới Nhất, quận 12). Gần 10 năm thành lập, trường đã đào tạo hàng chục nghìn học viên ở khắp các tỉnh, thành phía Nam. Hiện nay, đây là trường dạy nghề chơi hoa, cây, cá cảnh, hòn non bộ... duy nhất ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làm đẹp cho đời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.