Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm công tác xã hội: Vẫn là “vác tù và hàng tổng”

Quỳnh Anh| 08/03/2011 07:12

(HNM) - Ở nước ta, nghề công tác xã hội mới bước đầu hình thành, chưa được đầu tư đúng mức. Để thực hiện tốt các chính sách xã hội thì việc phát triển đội ngũ làm công tác xã hội là hết sức cần thiết và cũng là một yêu cầu khách quan.

Thành viên của Ngôi nhà bình yên tư vấn, trợ giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Phương An


Theo số liệu thống kê của Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐ-TB&XH, hiện nước ta có 7,5 triệu người cao tuổi, 5,4 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hơn 180.000 người có HIV được phát hiện, gần 170.000 người nghiện ma túy, 1,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước, 22% gia đình có bạo lực, 21,1% phụ nữ bị bạo hành ở các cấp độ khác nhau. Chưa kể hàng vạn xã đặc biệt khó khăn, nhiều cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội như ly thân, ly hôn, bị xâm hại tình dục, bỏ nhà đi lang thang...

Tất cả những đối tượng trên đều cần có sự trợ giúp từ những người làm công tác xã hội. Tuy nhiên, cả nước chỉ có 35.230 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên làm công tác này. Đây là con số quá ít và quá thiếu so với nhu cầu của xã hội. Số đông những người này làm việc theo bản năng và trực giác, thiếu kỹ năng cần thiết về nghề công tác xã hội. Do vậy, hiệu quả giải quyết trợ giúp cá nhân, nhóm cộng đồng xã hội có nhu cầu hạn chế. Thống kê cho thấy, trong số 35.230 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội thì chỉ có 8,5% làm đúng chuyên ngành đào tạo, 81,5% là làm không đúng chuyên ngành đào tạo, 10% không được đào tạo.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nghề công tác xã hội ở nước ta chưa được nhìn nhận đúng mức. Công tác xã hội chỉ là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", chưa thực sự được coi là một nghề nên chế độ đãi ngộ rất thấp, người làm công tác xã hội hoàn toàn mang tính tự nguyện. Theo Giám đốc Trung tâm phát triển kỹ năng và tri thức công tác xã hội Nguyễn Đình Toán, hiện nhiều cán bộ làm công tác xã hội nhưng không hiểu và không được trang bị kiến thức về lĩnh vực này. Họ chỉ làm dựa trên kinh nghiệm, sự nhiệt tình nên hiệu quả công việc không được như mong muốn. Trong khi đó, những sinh viên được đào tạo bài bản về công tác xã hội mới ra trường lại thiếu kinh nghiệm sống và sự va chạm thực tế. Họ rất khó xin được việc làm đúng ngành học. Người làm đúng ngành thì thu nhập thấp, khó trụ vững với nghề. "Mọi người vẫn cho rằng công tác xã hội là đi làm từ thiện nên ai cũng có thể trở thành nhân viên công tác xã hội... Đây là nhận thức chưa đúng cần phải thay đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay", ông Nguyễn Đình Toán nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho rằng, công tác xã hội ở nước ta chưa thật rõ ràng. Nhiều người vẫn quan niệm việc gì làm không vụ lợi để giúp đỡ người khác được gọi là công tác xã hội. "Hiện hội chúng tôi có gần 600.000 cán bộ, hội viên, nhưng hầu hết được đào tạo từ các lĩnh vực khác, không có chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xã hội nên thiếu kỹ năng và sự chuyên nghiệp trong tổ chức hoạt động. Điều này dẫn đến công sức bỏ ra thì nhiều mà hiệu quả chưa được như mong muốn", TS. Nguyễn Đình Liêu đề nghị: "Về lâu dài, công tác xã hội cần đi vào chuyên nghiệp mới bảo đảm tính bền vững. Khi đời sống của cán bộ hội còn gặp nhiều khó khăn thì rất khó đòi hỏi họ phải tâm huyết với nghề và có trách nhiệm với đối tượng".

Thực tế, công tác xã hội là hoạt động mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới từ gần thế kỷ nay. Hiệu quả của hoạt động này được thể hiện rõ qua việc huy động nguồn lực, tiềm năng của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng vào giải quyết các vấn đề lao động việc làm, các vấn đề an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm tải ngân sách nhà nước trong giải quyết các vấn đề xã hội. Công tác xã hội đóng vai trò quan trọng đối với việc phục hồi và chăm sóc các đối tượng: nghiện ma túy, mại dâm, nhiễm HIV, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán và lạm dụng tình dục, vi phạm pháp luật... với rất nhiều hoạt động như: tham vấn tâm lý, làm việc với cá nhân, làm việc nhóm, vận động xã hội… và có vai trò quan trọng đối với hoạt động nghiên cứu và xây dựng chính sách xã hội. Vì thế nghề công tác xã hội cần được chuẩn hóa, đào tạo, ban hành tiêu chuẩn chức danh viên chức về công tác xã hội, gắn với hệ thống thang bảng lương.

Đề án "Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020" đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Theo đó, đến năm 2020 phát triển công tác xã hội thành một nghề ở nước ta; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng; ban hành mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức, áp dụng ngạch, bậc lương đối với các ngạch viên chức công tác xã hội... Với đề án này, hy vọng những người làm công tác xã hội sẽ yên tâm cống hiến sức lực, trí tuệ và xã hội sẽ có thêm nhiều người làm công tác xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm công tác xã hội: Vẫn là “vác tù và hàng tổng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.