Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lái xe sử dụng rượu bia gây tai nạn chết người cần xử lý lỗi cố ý gián tiếp

Bảo Hân| 02/05/2019 09:56

(HNMO) - Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu quan điểm cần phải tăng chế tài đủ sức răn đe, phòng ngừa ngay từ ban đầu chứ không để hậu quả xảy ra rồi mới xử lý.

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm tại hầm Kim Liên ngày 1-5.


Trong vòng 10 ngày trở lại đây, trên địa bàn Thủ đô đã liên tiếp xảy ra hai vụ “xe điên” gây tai nạn kinh hoàng, tước đi sinh mạng của nhiều người khi tham gia giao thông, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đặc biệt, 0h10 ngày 1-5, vụ xe ô tô đâm tử vong 2 phụ nữ điều khiển xe mô tô tại hầm Kim Liên mà nguyên nhân chính là do lái xe ô tô sử dụng rượu bia, không làm chủ hành vi của mình.

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích: Hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, chất kích thích khác có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đây thuộc nhóm tội phạm xảy ra với lỗi vô ý nên chế tài xử lý hình sự chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm này đang có xu hướng gia tăng, gây lo lắng và bức xúc cho người dân.

Do đó, theo quan điểm của luật sư, Nhà nước nên tăng chế tài xử phạt để đủ sức răn đe, phòng ngừa ngay từ ban đầu, chứ không để hậu quả xảy ra rồi mới xử lý.

Trước tiên, nên sửa đổi theo hướng, xếp nhóm hành vi sử dụng rượu bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ thuộc nhóm hành vi lỗi cố ý gián tiếp theo khoản 2, Điều 10, Bộ luật Hình sự năm 2015 "Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra".

Pháp luật buộc công dân phải nhận thức được việc đưa vào cơ thể mình các chất kích thích như rượu bia, ma túy sẽ dẫn tới mất kiểm soát khả năng nhận thức và điều khiển hành vi mà gây ra hậu quả thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với lỗi cố ý.

Như vậy, nếu hậu quả xảy ra đến đâu thì người điều khiển phương tiện sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng đến đó. Hậu quả gây thương tích từ 11% trở lên thì xem xét ở tội danh "cố ý gây thương tích" hoặc gây ra chết người thì xử lý theo tội danh "giết người".

Mặt khác qua gần 3 năm thực hiện Nghị định số 46/2016/NĐ của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt này đã không còn phù hợp với thực tiễn, nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi.

Cụ thể, Nghị định 46/2016 quy định hình thức xử phạt bổ sung tước bằng lái từ 4-6 tháng hoặc 22-24 tháng và mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40 triệu đồng đối với cá nhân là chưa đủ sức răn đe.

Do đó, theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm, nên tăng mức phạt tối đa với cá nhân khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ lên gấp 2 lần và tăng mức phạt với người sử dụng rượu bia, chất kích thích khi tham gia giao thông trên mọi tuyến đường.

Ngoài ra, nên sửa đổi bổ sung Luật Xử phạt vi phạm hành chính quy định trường hợp tước bằng lái xe vĩnh viễn hoặc buộc người vi phạm học lại luật giao thông, kể cả phải thi lại bằng lái xe mới khi tham gia giao thông mà sử dụng rượu bia, chất kích thích. Trường hợp tái phạm nhiều lần mà không có khả năng giáo dục, chấp hành pháp luật về giao thông thì tước bằng lái xe vĩnh viễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lái xe sử dụng rượu bia gây tai nạn chết người cần xử lý lỗi cố ý gián tiếp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.