Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Lại tiếp tục tìm hướng đi cho nhân vật chính”

Thi Thi| 09/06/2013 07:01

(HNM) - Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, tác giả của hai cuốn tiểu thuyết đã giành nhiều giải thưởng văn học là



Trong đó "Luật đời & cha con" đã được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập, được khán giả bình chọn là phim truyền hình hay nhất năm 2007. "Lửa đắng" hiện cũng đang được chuyển thể. Ông vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết "Gã Tép Riu" (NXB Hội Nhà văn) được dư luận rất chú ý. Ông đã dành cho Hànộimới cuộc trò chuyện xung quanh tác phẩm này.

- Thưa nhà văn, vì sao ngay trước khi bước vào trang đầu tiên của cuốn tiểu thuyết ông lại giãi bày: "Bối cảnh trong tiểu thuyết phần lớn là thật… Nhưng là tiểu thuyết nó được quyền hư cấu… Rất mong bạn đọc biết cho để tránh những suy diễn không đáng có"?

- Câu hỏi rất xác đáng. Thường người ta không muốn ai động đến mình. Mà thực tế lại có những cuốn sách ám chỉ người nọ người kia. Bạn và tôi cũng như phần lớn mọi người đều không ưa cái cách ấy. Trong "Gã Tép Riu", tôi muốn nói đến việc, không muốn nói đến người. Những việc tôi miêu tả là cụ thể, có thật, mọi người đều biết. Nhưng con người cụ thể thì không. Nhưng nhân vật thì vẫn phải hiện lên bằng da bằng thịt, nghĩa là tóc chải thế này, mắt nhìn thế kia, kiểu cười thế khác. Nếu ngẫu nhiên có giống ai thì cũng đừng chạnh lòng làm gì. Và như tôi đã có lời: "Rất mong bạn đọc biết cho để tránh những suy diễn không đáng có".

- Có thể thấy rất nhiều vấn đề được đặt ra qua tác phẩm này cả về chính trị, văn hóa, xã hội, nhưng ông muốn nhấn mạnh điều gì trong "Gã Tép Riu"?

- Đúng ra, tôi không đặt ra những vấn đề về chính trị, văn hóa, xã hội theo cách như trong bộ tiểu thuyết chính trị trước, tôi chỉ dùng nó như một phương tiện thể hiện thân phận nhân vật trung tâm là Tùng Tép Riu thôi. Về lĩnh vực chính trị, đó là những cuộc đấu trí, đấu tranh tư tưởng giữa Tùng với một nhân vật khi anh đưa ra mười lý do để giải thích hiện tượng các văn bản quy phạm pháp luật vừa ban hành đã phải bổ sung, hủy bỏ (trang 201); về vai trò của người đứng đầu các cơ quan Đảng, chính quyền (trang 366). Những cuộc tranh luận ấy đã thể hiện bản lĩnh chính trị của Tùng. Ở lĩnh vực văn hóa xã hội, Tùng trò chuyện, giải thích với vợ để dẫn đến việc cụ thể là quản lý các hòm công đức ở đền chùa. Mùa lễ hội sau Tết Nguyên đán vừa rồi, báo chí cũng đặt ra vấn đề ấy. Rồi những nhận thức xã hội mà Tùng phê phán như sống theo tâm lý đám đông và niềm tin của con người trong xã hội hiện nay.

Qua những câu chuyện của Tùng, tôi muốn nói, dù chỉ là một anh cán bộ "đầu binh cuối cán", nhưng Tùng đã hoàn thành xuất sắc chức trách của mình với khả năng và tinh thần phản biện cao. Tầm hiểu biết và suy nghĩ của Tùng góp phần tích cực vào sự phát triển xã hội. Những trí thức như vậy vẫn có ở quanh ta, có thể không nhiều hoặc không ít, nhưng vì nhiều lý do khi còn tại nhiệm họ đã không dám bộc lộ tiếng nói chính trực của mình.

- Ngoài việc dành cho Tùng những trải nghiệm về quản lý báo chí xuất bản của bản thân mình, ông có còn dựa vào nguyên mẫu nào để xây dựng nhân vật Tùng sinh động (với lối nói lái dí dỏm, thâm thúy…) như vậy?

- Nhà văn Nguyễn Công Hoan định nghĩa nôm na, tiểu thuyết là truyện bịa y như thật. Tôi cảm ơn nhiều bạn đọc đã có ấn tượng với nhân vật mà tôi đã dày công… bịa y như thật.

- Dễ thấy, trong những cuộc trò chuyện của Tùng, ông đều chú ý đưa vào rất nhiều tên sách, nhiều câu chuyện từ sách. Ông cũng nhắc tới văn hóa đọc và tạo ra một loại nhân vật không đọc sách như Diệu Thủy - vợ Tùng. Ông nghĩ văn hóa đọc có vai trò như thế nào trong cuộc sống?

- Các nhà xã hội học đã báo động về tình trạng văn hóa nghe nhìn lấn lướt văn hóa đọc, vì nó nhẹ nhàng, không mấy khi phải bận tâm suy nghĩ. Nhưng rõ ràng đầu vào nhanh thì ra cũng nhanh. Ấy là chưa nói đến sự khác nhau giữa báo và sách. Với tôi, nó chỉ khác nhau ở một từ thôi - một bên cung cấp cho bạn đọc thông tin và một bên gửi đến bạn đọc thông điệp. Nhưng ngay đến thông tin trên báo in, nhiều người cũng không nắm được. Người ta chỉ xem báo chứ không đọc báo. Nói gì đến sách. Mà đọc (tiếp nhận thông tin, thông điệp) là một chuyện, còn suy ngẫm, vận dụng thông tin, thông điệp vào công việc, vào đời mình lại là chuyện khác.

Những nhân vật cán bộ không chịu đọc như Diệu Thủy khá phổ biến. Như đã nói, tôi không ám chỉ, không muốn làm một ai đó đau mà chỉ muốn làm cho người đọc đau, khi nhận ra tính phổ biến của mô típ nhân vật ấy trong đời sống xã hội.

- Những vấn đề đặt ra trong cuốn tiểu thuyết rất ám ảnh, nhưng giọng điệu của nhân vật chính và cả cuốn tiểu thuyết lại mang đậm màu sắc hài hước, chế giễu. Chắc một người thích đùa như ông phải dụng công nhiều mới được thế?

- Tôi cố gắng đưa yếu tố hài hước vào tác phẩm. Những câu nói lái của Tùng, những câu vần vè của "Người thích đùa" trong cơ quan Tùng… có thể làm bạn đọc nhếch mép. Và vì thế mà câu chuyện này, cũng như cuộc đời vốn nhiều chuyện buồn của chúng ta sẽ vui vẻ hơn chăng?

- Hình như ông sẽ cho Tùng - Gã tép riu trở lại trong tập hai?

- Từ khi lên kế hoạch sinh đẻ đến lúc… rặn đẻ là một chặng đường dài. Đường đời của hai nhân vật nữ chính Diệu Thủy và Dự thì không khó, nhưng đường đời của Tùng thì nan giải. Tôi đang tìm hướng đi cho anh ta.

- Xin chân thành cảm ơn nhà văn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lại tiếp tục tìm hướng đi cho nhân vật chính”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.