(HNM) - Theo thống kê, đầu tháng 3-2022, một số mức lãi suất tiết kiệm được đẩy lên khá cao, song chỉ dành cho các khoản tiền gửi lớn, với kỳ hạn dài. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất được áp dụng trong hệ thống ngân hàng là 7,5%/năm.
Cụ thể, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), khách hàng gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên, với kỳ hạn 13 tháng được áp dụng lãi suất 7,5%/năm; đối với hình thức tiết kiệm trực tuyến (online), lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7,35%/năm. Còn với Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), khách hàng khi gửi tiết kiệm được hưởng mức cao nhất là 7,1%/năm, áp dụng đối với những khoản tiền gửi khoảng 100 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng. Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) áp dụng mức lãi suất cao nhất 7,1% khi gửi từ 999 tỷ đồng trở lên, với kỳ hạn 12 tháng và cam kết không tất toán trước hạn. Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB), lãi suất tiết kiệm cao nhất được áp dụng là 7%/năm.
Không cùng chiều với khối ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng thương mại nhà nước không thay đổi biểu lãi suất huy động. Do đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất 5,5%/năm áp dụng tại các ngân hàng thương mại cổ phần: Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank). Riêng với Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), lãi suất tiết kiệm cao nhất là 5,6%/năm áp dụng đối với các khoản tiền gửi từ 12 tháng trở lên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.