Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãi suất được kiểm soát tốt

Linh Phương| 28/12/2019 06:41

(HNM) - Thời điểm giáp Tết Nguyên đán được coi là mùa kinh doanh cao điểm của các doanh nghiệp và nhu cầu vay vốn của cá nhân. Việc các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao cũng là dễ hiểu. Theo đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm truyền thống, nhất là lãi suất ở những kỳ hạn dài (trên 6 tháng) được nhiều ngân hàng giữ ở mức từ 8,3% đến gần 9%/năm, nhằm thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân.

So sánh với lãi suất của quý III-2019, có thể thấy, mức lãi suất huy động có tăng, nhưng tỷ lệ tăng không đáng kể, nhất là các khoản vay trung, dài hạn. Điều này dường như đi ngược xu hướng quốc tế ở thời điểm này, nhưng lại phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế Việt Nam (tốc độ tăng trưởng năm 2019 đạt 7,02%), lạm phát được kiểm soát tốt. Hơn nữa, lãi suất tại các ngân hàng thời điểm này tăng theo chu kỳ kinh tế, vì cứ đến cuối năm, các doanh nghiệp, cá nhân rất cần vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, các ngân hàng phải huy động để có đủ vốn cho vay...

Trước thềm năm mới 2020, việc các ngân hàng huy động tiền gửi không chỉ đáp ứng nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng, mà còn thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn. Vấn đề đặt ra là sử dụng nguồn lực đó như thế nào để hiệu quả, an toàn và đúng quy định pháp luật. 

Trước tiên, cần có các giải pháp ngăn chặn được tình trạng các ngân hàng huy động vốn bằng mọi cách, tranh đua lãi suất, tiềm ẩn nguy cơ mất kiểm soát về thanh khoản, rủi ro tín dụng cao. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu, góp phần hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Hiện nay nguồn tiền tiết kiệm trong dân cư rất dồi dào, là bối cảnh thuận lợi để ngân hàng tạo nguồn vốn kinh doanh. Muốn thu hút được số tiền này, các ngân hàng cần phải đưa ra được các hình thức huy động vốn hiệu quả, có lợi cho cả hai bên, đặc biệt là các kỳ hạn dài - vừa ích nước vừa lợi nhà, vừa an toàn tài sản. Điều này giúp người dân dễ dàng lựa chọn một hình thức gửi tiền phù hợp với nhu cầu cá nhân của mình. Bên cạnh đó, cần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, để kịp thời triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó giúp luồng tiền của chính các ngân hàng được luân chuẩn liên tục. 

Về phía người dân, cần theo dõi sát sao các thông tin chính thống từ phía cơ quan quản lý nhà nước về ngân hàng bên cạnh việc cân nhắc trước khi quyết định gửi tiền ngân hàng hay đầu tư vào các kênh khác. Ít nhất trong thời điểm này, không cần giữ tâm lý e ngại về "bong bóng" như cách đây 8-9 năm khi lãi suất cho vay và huy động đều ở mức "trên trời", vì hoạt động vay và cho vay của các ngân hàng hiện tương đối lành mạnh và trong khả năng kiểm soát của các cơ quan quản lý. 

Sáng qua (27-12) trong phiên họp thường kỳ quý IV-2019 của Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính, tiền tệ quốc gia do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Chủ tịch Hội đồng chủ trì, các thành viên hội đồng - chuyên gia kinh tế đều cho rằng, công tác điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2019 đạt được những kết quả đáng ghi nhận, như: Tín dụng tăng trưởng phù hợp với chỉ tiêu định hướng từ đầu năm, thị trường tiền tệ ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát; mặt bằng lãi suất giảm tạo dư địa chống đỡ với các biến động phức tạp từ kinh tế - tài chính toàn cầu... 

Lãi suất huy động của các ngân hàng tăng, nhưng không phải là biểu hiện bất thường, vì nằm trong định hướng và tầm kiểm soát của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước..., để tranh thủ thời cơ thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất được kiểm soát tốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.