Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãi suất “đầu ra” bao giờ hạ nhiệt?

Đức Anh| 03/04/2012 07:14

(HNM) - Do lãi suất huy động VND tối đa được điều chỉnh giảm từ 14%/năm xuống 13%/năm từ ngày 13-3 theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất huy động đã

Lãi suất huy động VND đã được điều chỉnh nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn.Ảnh: Đàm Duy


Theo quyết định của NHNN, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng được giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 14%/năm xuống 13%/năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân, cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng trở lên là 13,5%/năm (giảm 1%/năm so với trước). NHNN cũng quy định các mức lãi suất khác: lãi suất tái cấp vốn là 14%/năm, lãi suất tái chiết khấu 12%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng 15%/năm.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, từ tháng 8-2011 đến nay, lạm phát có xu hướng giảm. Đây là tiền đề cho việc hạ lãi suất, song lạm phát giảm chỉ là điều kiện cần, bởi điều kiện đủ phải là tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng quá nóng, hệ số sử dụng vốn trên nguồn vốn ở mức cao, ngân hàng huy động tới 80% vốn ngắn hạn, nhưng chủ yếu lại sử dụng cho vay trung - dài hạn (chiếm 40%), khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản… Đến nay, tính thanh khoản đã được cải thiện, NHNN có thêm điều kiện đủ để giảm mặt bằng lãi suất.

Sau khi có "hiệu lệnh" từ NHNN, hàng loạt ngân hàng đều có động thái giảm lãi suất huy động. Thay vì áp dụng một mức cố định là 14%/năm cho tất cả các kỳ hạn, đến nay, các ngân hàng đã niêm yết các mức lãi suất khác nhau, thậm chí có ngân hàng chỉ còn huy động với mức 12-13%/năm. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, lãi suất huy động giảm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng có nguồn vốn rẻ hơn, từ đó giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Khi lãi suất huy động là 14%/năm, lãi suất cho vay đối với sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 17-19%/năm. Nay với việc giảm lãi suất huy động 1%/năm so với trước, lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ dao động quanh 14,5-16,5%/năm.

Lãi suất "đầu vào" giảm đồng nghĩa với việc lãi suất "đầu ra" sẽ "hạ nhiệt", giúp người vay dễ tiếp cận hơn với nguồn vốn. Với mức huy động tối đa 13%/năm, ngân hàng chỉ cần cho vay với lãi suất 16,5-17%/năm là có thể có lợi nhuận. So với trước, đây là mức hợp lý hơn để DN có thể tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh hay thực hiện những hợp đồng đã ký mà không phải quá đau đầu. Với người dân có nhu cầu vay vốn để mua, sửa nhà, mua ô tô, mức lãi suất 17%/năm được coi là thực tế. Song cho đến nay, sau hơn 2 tuần quyết định giảm lãi suất huy động VND của NHNN có hiệu lực, mức 17%/năm, thậm chí là 18-19%/năm vẫn chỉ là ước mơ với những người vay vốn.

Hiện còn nhiều người phải vay ngân hàng với lãi suất 21-23%/năm. Ngay trong thống kê giao dịch nhiều tuần trên hệ thống của NHNN, lãi suất cho vay đối với phi sản xuất cao nhất lên tới 25%/năm. Vẫn biết, NHNN không khuyến khích cho vay phi sản xuất, song, đối với nhiều người, phải vay ngân hàng bởi "cực chẳng đã", nếu không quá cần thiết, chẳng ai dại mà đi vay với mức 25%/năm.

Câu hỏi đặt ra với DN cũng như người dân hiện nay là làm thế nào để có thể tiếp cận được nguồn vốn được coi là "rẻ"? Bởi không chỉ những DN thuộc lĩnh vực được ưu đãi mong chờ, mà tất cả DN có nhu cầu vay vốn chính đáng, hay người dân đều thực sự "khát" nguồn vốn vay với lãi suất 17%/năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lãi suất “đầu ra” bao giờ hạ nhiệt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.