(HNM) - Trong khi lãi suất USD tiếp tục
Lãi suất huy động tăng nhẹ
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trung tuần tháng 7, một số tổ chức tín dụng (TCTD) điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm (kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng); 5,4-6,5%/năm (kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng); 6,4-7,2%/năm (trên 12 tháng). Đây là mức lãi suất bình quân của cả hệ thống ngân hàng và nếu nhìn vào biểu thống kê trên, lãi suất không có nhiều biến động so với trước, nhưng trên thực tế, không ít ngân hàng đã để mức lãi suất huy động khá cao, với mức cao khoảng 8%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay được ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến là 6-7%/năm đối với ngắn hạn, 9-10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường: 6,8-9%/năm (ngắn hạn), 9,3-11%/năm (trung và dài hạn). Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn có thể chỉ dừng lại ở 5-6%/năm. Song, tại một số ít ngân hàng, lãi suất cho vay đối với sản xuất, kinh doanh thông thường đã vượt qua 11%/năm để tiến tới 12-13%/năm, mức không thấp đối với DN trong thời điểm này.
Khi lãi suất VND vẫn là đề tài "nóng", nhất là vào thời điểm nhu cầu vốn tăng cao hơn mọi năm, lãi suất USD lại khá "lạnh". USD ổn định, chưa có dấu hiệu điều chỉnh tỷ giá của cơ quan chức năng, nên USD lại trở thành lợi thế cho những DN xuất nhập khẩu. Do lãi suất huy động USD vẫn duy trì mức 0%, nên lãi suất cho vay chỉ rơi vào 2,8-6,2%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn: 2,8-5,2%/năm; trung, dài hạn: 5,1-6,2%/năm.
Còn dư địa giảm lãi suất?
Lãi suất VND có dấu hiệu tăng có phải do khan hiếm VND từ các ngân hàng? Các ngân hàng có thanh khoản tốt, hay đang rơi vào tình trạng "hiếm" tiền? Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, cũng trong trung tuần tháng 7, tổng doanh số giao dịch bằng VND đạt khoảng 112.010 tỷ đồng (bình quân 22.402 tỷ đồng/ngày), tăng 17.026 tỷ đồng so với tuần trước đó; bằng USD quy đổi ra VND đạt 67.668 tỷ đồng (bình quân khoảng 13.534 tỷ đồng/ngày), tăng 8.014 tỷ đồng.
Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và một tuần, chiếm hơn 80%. Mặc dù doanh số giao dịch tăng, nhưng lãi suất trên thị trường này lại giảm cho thấy thanh khoản của các ngân hàng vẫn dồi dào. Theo đó, lãi suất giảm ở các kỳ hạn chủ chốt từ 1 tháng trở xuống. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm còn 1,01%/năm, 1 tuần: 1,21%/năm và 1 tháng: 2,15%/năm. Lãi suất USD chỉ còn 0,43%/năm (qua đêm), 0,46%/năm (1 tuần) và 0,61%/năm (1 tháng).
Về mặt bằng lãi suất hiện nay, theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, so với mặt bằng chung các nước trong khu vực, lãi suất của Việt Nam vẫn cao, do đó DN vẫn mong muốn các ngân hàng giảm lãi suất. Nếu dư địa giảm lãi suất không nhiều, cần giữ ổn định mặt bằng trong một thời gian dài. Hiện, DN có thể được vay vốn ngân hàng với lãi suất 8%/năm, nhưng với các khoản vay trung, dài hạn trong 5 năm, DN e ngại sau 2-3 năm, nếu lãi suất điều chỉnh lên 12-15%/năm, DN sẽ gặp khó khăn lớn.
Cũng theo ông Trần Hoàng Ngân, bản thân ngân hàng cũng muốn cho vay lãi suất thấp, bởi rủi ro ít hơn. Thực tế, với lãi suất hợp lý, DN làm ăn thuận lợi hơn, khả năng trả nợ của DN tốt hơn. Trong khi đó, cho vay lãi suất cao tuy tưởng là ngân hàng hưởng lợi, nhưng thực tế khiến DN khó khăn, nợ xấu sẽ tăng. Do vậy, trên thế giới, các nước đều hướng đến lãi suất thấp.
Dự báo về mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm, TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho rằng, lãi suất sẽ có cơ hội ổn định, không có dấu hiệu tăng vào những tháng cuối như các năm trước. Việc tăng hay giảm lãi suất huy động và cho vay đối với nền kinh tế phải dựa trên cơ sở khoa học, quy luật cung cầu, chỉ số lạm phát và tín hiệu của thị trường. Song, dư địa để giảm lãi suất không phải không còn.
Chính sách tiền tệ đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, nhưng sự chuyển động, linh hoạt và uyển chuyển của chính sách tiền tệ không phải là tất cả, mà phải có thêm sự chuyển động tích cực của chính sách thuế, cải cách hành chính, thu hút vốn nước ngoài, kích thích sản xuất, kinh doanh, cân bằng cung cầu... Nếu thực hiện đồng bộ những yếu tố này sẽ tạo ra dư địa mới trong việc giảm lãi suất...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.