(HNM) - Dù đã được
Nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và người dân thì đây sẽ trở thành vấn nạn lâu dài, gây mất niềm tin của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước. Việc CA quận Thanh Xuân vừa khám phá một vụ lừa đảo làm sổ đỏ ở phường Nhân Chính là một ví dụ.
"Om" hồ sơ và "vòi" tiền
Lợi dụng chức trách, nhiệm vụ của một cán bộ địa chính, Nguyễn Thị Kiều Oanh, sinh năm 1977, trú tại phố Khâm Thiên, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, cán bộ địa chính phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) đã chiếm đoạt tiền của nhiều người có nhu cầu làm "sổ đỏ". Song, việc này chỉ bị bại lộ khi chính những người đã đưa tiền cho Oanh gửi đơn, thư tố giác đến CA quận Thanh Xuân. Thông tin từ cơ quan điều tra cho biết, đầu tháng 2-2011, bà Trần Thị Lý, ở ngõ 141, phố Quan Nhân, phường Nhân Chính có nhu cầu làm thủ tục xin cấp "sổ đỏ" cho mảnh đất hơn 100m2 của gia đình. Oanh đã trực tiếp hướng dẫn bà Lý làm hồ sơ, nêu một số khó khăn và đặt vấn đề với bà Lý là muốn được việc, cần phải chi 5 triệu đồng. Bà Lý đã đưa cho Oanh số tiền trên. Sau khi thụ lý hồ sơ, Oanh thấy mảnh đất này cần cấp 3 "sổ đỏ", đã tiếp tục yêu cầu bà Lý phải chi 100 triệu đồng. Bà Lý tiếp tục đưa tiền và chờ đợi. Một trường hợp khác bị Oanh cho ''quả lừa'' là ông Nguyễn Văn Sức, ở ngõ 72/73/92 phố Quan Nhân, phường Nhân Chính. Đầu năm 2008, ông Sức cũng đến UBND phường Nhân Chính nộp hồ sơ làm "sổ đỏ" cho mảnh đất của gia đình. Oanh đã gợi ý phải đưa 20 triệu đồng để mọi việc được thuận tiện. Tuy nhiên, tiền thì đã đưa mà sổ đỏ mãi chẳng thấy!
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Khánh Nguyên
Ngoài hai trường hợp trên, cơ quan điều tra còn nhận được một số đơn của công dân phường Nhân Chính tố giác việc Oanh nhận tiền làm "sổ đỏ". Từ các đơn tố giác của nhân dân, ngày 26-9, CA quận Thanh Xuân đã bắt tạm giam Nguyễn Thị Kiều Oanh để phục vụ cho công tác điều tra. Gần đây nhất, ngày 29-9, CA quận Thanh Xuân tiếp tục nhận được đơn tố cáo của anh Lê Anh Tuấn, ở số 17, phố Vĩnh Hồ, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa. Theo đơn, anh Tuấn được bà Nguyễn Thị Tâm, ở tổ 4, cụm Kiết Thiết, phường Nhân Chính nhờ đi làm hộ "sổ đỏ". Ngày 28-3-2011, anh Tuấn đã nộp hồ sơ tại UBND phường Nhân Chính. Nhận thấy hồ sơ còn thiếu nên Oanh đã trao đổi với anh Tuấn, rồi anh Tuấn đưa cho Oanh 100 triệu đồng để làm được "sổ đỏ" cho bà Tâm. Song, anh Tuấn và bà Tâm chờ mãi vẫn không thấy "sổ đỏ" đâu.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: "Tháng 9-2008, tôi về làm Chủ tịch phường trong bối cảnh toàn bộ hồ sơ lĩnh vực địa chính của phường không có sổ sách lưu giữ, cán bộ địa chính cũ đã chuyển công tác mà không bàn giao. Nhân Chính lại là phường có số dân đông (3,9 vạn người), cùng với khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất của một làng mới lên phường nên việc giải quyết hồ sơ địa chính thực sự khó khăn. Mấy năm nay, UBND phường Nhân Chính đã thực hiện giải quyết hồ sơ theo cơ chế "một cửa". Cô Oanh là cán bộ địa chính, thỉnh thoảng cũng có dấu hiệu chểnh mảng trong công việc và đã bị nhắc nhở. Nhưng UBND phường chưa nhận được đơn, thư nào của người dân tố giác cụ thể vụ việc".
Hiện phường Nhân Chính còn tồn 505 hồ sơ đang "vướng" do khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, do các quy định về thủ tục nhà đất thay đổi liên tục, do việc lưu hồ sơ những năm trước đây không tốt, do các dự án GPMB... Nếu những khúc mắc của các trường hợp này không sớm được giải quyết thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ.
"Gỡ" mãi vẫn "rối"
Điều đáng nói là đây không phải lần đầu xảy ra những vụ việc khuất tất trong quá trình giải quyết hồ sơ lĩnh vực địa chính tại phường Nhân Chính. Tháng 12-2009, Báo Hànộimới đã có bài "Hành trình 1.400 ngày xin… sổ đỏ" phản ánh về sự tắc trách, chậm trễ khó hiểu trong việc cấp "sổ đỏ" tại phường này. Từ vấn đề bài báo nêu, đoàn kiểm tra công tác giải quyết thủ tục hành chính của TP Hà Nội đã làm việc với UBND quận Thanh Xuân để xác minh và khẳng định nội dung thông tin trong bài báo là đúng sự thật. Trước việc liên tiếp xảy ra những sai phạm trong vấn đề cấp "sổ đỏ", Chủ tịch UBND phường Nhân Chính cho biết: "Bản thân tôi cảm thấy rất xấu hổ khi cán bộ của mình đã lợi dụng vị trí công tác để gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân. Đây sẽ là bài học xương máu cho phường trong công tác quản lý cán bộ".
Có một thực tế đáng buồn là tình trạng trì trệ, gây phiền hà trong việc cấp "sổ đỏ" đang xảy ra khá phổ biến. Chỉ riêng trong năm 2011, đoàn kiểm tra của TP Hà Nội về công tác cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng (QSD) đất đã phát hiện hàng loạt sai phạm như: Phường Phú Lãm (Hà Đông) có tới hơn 90 trường hợp chậm cấp so với hạn quy định; xã Tứ Hiệp (Thanh Trì) chưa lập đầy đủ sổ sách tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC, hồ sơ lập thiếu căn cứ; các xã Bạch Hạ, Hoàng Long (huyện Phú Xuyên) xảy ra tình trạng xác định không đúng nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất… Vẫn biết việc giải quyết vấn đề liên quan đến nhà đất không đơn giản, song, lẽ ra, gặp khó khăn, vướng mắc, cán bộ phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng tìm biện pháp tháo gỡ thì một số người lại coi đó là "cơ hội" để trục lợi. TP Hà Nội đã tỏ thái độ quyết tâm trong việc tháo gỡ vấn đề này bằng nhiều hình thức (tổ chức giải quyết hồ sơ theo cơ chế "một cửa"; nâng cao đạo đức, năng lực cán bộ; yêu cầu công khai minh bạch TTHC…). Đặc biệt, TP Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra tiến độ cấp "sổ đỏ". Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi để giải quyết tận gốc là cán bộ phải nhận thức được vấn đề, làm tròn trách nhiệm của người thực thi công vụ. Bên cạnh đó, chính người dân cũng phải có trách nhiệm tìm hiểu đầy đủ các quy trình thực hiện TTHC để tuân thủ cho đúng, loại bỏ suy nghĩ không "bôi trơn" thì không được việc, tránh tiếp tay cho sai phạm. Nếu đã thực hiện đúng quy định mà vẫn bị cán bộ "hành" thì công dân nên lập tức báo với các đơn vị chức năng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 1474/CT-TTg về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp GCN QSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Chỉ thị nêu rõ: Từ nay đến hết năm 2011, các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ phải rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định về "sổ đỏ" của địa phương không còn phù hợp với pháp luật hiện hành; tăng cường cải cách thủ tục cấp GCN nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân thực hiện, giám sát; đồng thời thông báo số điện thoại nóng để người dân phản ánh tình hình…
Nếu không xây dựng một quy trình làm việc chặt chẽ, nghiêm túc, rất khó ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong việc cấp "sổ đỏ". Và, những vụ việc được tố giác, phanh phui vẫn chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.