(HNM) - Trước thềm kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/2014), các cơ quan, tổ chức, đoàn thể lại có những hoạt động sôi nổi, đa dạng để tri ân những người đóng góp xương máu cho độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Và, các gia đình thương binh, liệt sĩ lại tự hào tưởng nhớ người thân…
Mới đây, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1525/QĐ-CTN về việc tặng quà nhân ngày 27-7. Đây là công việc thường niên nhằm ghi ơn những người con đã quên mình vì Tổ quốc và những người có công với cách mạng. Để động viên sức người, sức của cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị lấy ngày 27-7-1947 là Ngày Thương binh, liệt sĩ. Ở thời đại Hồ Chí Minh, ngày này như là một điểm nhấn để nhân dân tưởng nhớ, khắc ghi công ơn thương binh, liệt sĩ; còn thế hệ hôm nay sao có thể quên công ơn của những người con ưu tú đã hiến dâng cuộc đời mình cho độc lập dân tộc. Hiểu sâu sắc điều này, mỗi người hôm nay tự thấy mình phải sống sao cho xứng đáng với những người đã ngã xuống.
Không có nơi nào trên trái đất này lại phải chịu đựng chiến tranh chống xâm lược nhiều như đất Việt. Và, đất Việt có ngày hôm nay cũng bắt đầu từ những hy sinh của những nghĩa binh trong suốt hơn hai nghìn năm giữ nước để dựng nước. Có lẽ, có thể kể sự hy sinh của dân đất Việt từ cuộc nổi dậy của thủ lĩnh huyện Tây Vu (quận Giao Chỉ) vào thế kỷ thứ II trước Công nguyên, chống sự đô hộ của Triệu Đà nhằm khôi phục nhà nước Âu Lạc. Rồi tiếp đó, suốt hai thiên niên kỷ với biết bao cuộc nổi dậy và cũng biết bao máu xương đổ xuống vì nền độc lập nước nhà, vì sự trường tồn của dân tộc. Trong các cuộc nổi dậy, các cuộc kháng chiến chống xâm lăng ấy, tiêu biểu có thể kể đến là: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Khúc Thừa Dụ, Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất năm 938, cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất do Lê Hoàn lãnh đạo với chiến thắng Bạch Đằng lần thứ hai năm 981, cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai (1075-1077) do Lý Thường Kiệt chỉ huy, ba lần chiến thắng quân Mông - Nguyên thế kỷ XIII của quân dân triều Trần với tài thao lược của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã kết thúc thắng lợi bằng trận Bạch Đằng lịch sử lần thứ ba năm 1288, khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi với quân sư Nguyễn Trãi đã đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi đầu thế kỷ XV, cuộc đại phá quân Thanh của Quang Trung Nguyễn Huệ vào năm 1789 và các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của Nguyễn Trung Trực 1861-1868, Hoàng Hoa Thám 1884-1913, Phan Đình Phùng 1885-1896… Cũng chính sự hy sinh cho dân tộc trường tồn qua các cuộc đấu tranh ấy đã làm nên giá trị Việt Nam. Giá trị ấy là trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam đã đúc rút thành lẽ sống, thành phương châm bảo tồn dân tộc: “Sông núi nước Nam vua Nam ở”, “Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều”, “Lấy chí nhân thay cường bạo”. Lẽ sống ấy được nhân lên thành chân lý trong thời đại Hồ Chí Minh: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chân lý ấy được đúc kết từ biết bao xương máu của nhân dân hơn hai thiên niên kỷ mà thành.
Ở thời đại Hồ Chí Minh có một ngày làm điểm nhấn tri ân thương binh, liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong hai cuộc chiến tranh ác liệt chống xâm lược ở biên giới phía Bắc và Khơ-me đỏ xâm lược ở biên giới Tây - Nam Tổ quốc. Nhưng, tất cả sự hy sinh của cha ông trong hơn hai thiên niên kỷ đấu tranh cho độc lập dân tộc là tiền đề trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam để nhân dân ta nhân lên thành sức mạnh phi thường trong thời đại Hồ Chí Minh. Sự hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc của biết bao thế hệ trong hơn hai nghìn năm trước cũng cần được trân trọng tưởng nhớ bằng nhiều hình thức. Xin mạo muội đề xuất một ý tưởng để mọi người bàn thảo, phản biện, xác định một hình thức khả thi và có ý nghĩa lâu dài trong sự nghiệp bảo vệ sự trường tồn của dân tộc.
Nên chăng, Nhà nước xã hội hóa xây dựng một tượng đài với tên gọi Tượng đài Độc lập dân tộc. Ở địa điểm ấy, người dân từ người già đến thiếu niên, nhi đồng đều có thể đến được. Về nội dung sẽ do các họa sĩ, các nhà điêu khắc, các nhà văn hóa bàn bạc xây dựng dự án. Về tính khả thi, chắc chắn mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ. Về ý nghĩa, bên cạnh ý nghĩa tri ân những anh hùng liệt sĩ thời đại Hồ Chí Minh, cần có thêm nơi hướng về cội nguồn để thể hiện lòng tri ân biết bao triệu người hy sinh cho độc lập dân tộc trong hai thiên niên kỷ. Truyền thống yêu nước của người Việt Nam, quyết tâm gìn giữ độc lập dân tộc chảy mãi trong huyết quản người Việt từ đời này sang đời khác suốt chiều dài lịch sử đất nước và thực sự đã làm nên sức mạnh phi thường. Dòng máu Lạc Hồng đã đổ xuống mảnh đất hình chữ S và vùng biển đảo có chủ quyền để nảy nở mùa hoa độc lập, kết trái tự do, hạnh phúc hôm nay. Phải nâng niu, quý trọng dòng máu giống nòi đã đổ vì độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Sức mạnh truyền thống cũng sinh ra từ dòng máu thiêng liêng ấy. Hôm nay, sức mạnh truyền thống nghìn năm sẽ tiếp sức cho nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, quy tụ sức mạnh toàn dân tộc để xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đủ sức chiến thắng bất kỳ kẻ xâm lược nào.
Tượng đài Độc lập dân tộc là một hình thức cụ thể tri ân tổ tiên, cha ông đã bao đời xây nền độc lập bằng máu xương của chính mình. Đây cũng là chốn nhắc nhở mỗi công dân, mỗi đảng viên soi mình để sống cho xứng đáng với dòng máu Lạc Hồng làm nên hoa độc lập hôm nay. Đặc biệt, nhân ngày 27-7, xin những đảng viên thuộc “một bộ phận không nhỏ” hãy thành tâm, đừng u mê, chìm đắm trong lợi ích vật chất tầm thường mà làm nghèo đất nước; hãy tỉnh lại mà tu thân cho xứng đáng với tiền nhân, với đồng bào, đồng chí. Xin các vị hãy thầm lặng tự vấn xem bản thân đã sống xứng đáng với các liệt sĩ trong nghĩa trang trắng hàng bia không chữ hay chưa? Theo Nghị quyết TƯ 4 về những vấn đề cấp bách xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thì các vị là những người có chức, có quyền ở các cấp. Mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã nhận định, phải tiếp tục xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, hết sức quan trọng, khó khăn, phức tạp, phải làm kiên quyết, kiên trì. Có nghĩa là trước sau gì các vị cũng bị xử lý nghiêm minh. Tuy vậy, chỉ có lòng tự trọng của các vị mới giúp được các vị sống theo đạo lý làm người, nhất là làm người yêu nước. Người yêu nước là người làm trọn bổn phận công dân, là người biết cống hiến, là người biết uống nước nhớ nguồn. Nếu các vị không tri ân các bậc tiền nhân, đồng chí, đồng bào theo đạo lý làm người thì các vị sẽ tiếp tục làm nghèo đất nước, làm giảm thiểu sức mạnh quốc gia và cũng không khác nào các vị đang tiếp tay cho kẻ thù phá hoại sức mạnh dân tộc từ bên trong.
Tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc có nhiều hình thức, trong đó sự tỉnh ngộ ở những người đã và đang sống quay lưng với nỗi lo của dân cũng là một việc đáng ghi nhận!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.