Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãi lớn vẫn tăng giá, ai hưởng lợi?

Nữ Quỳnh| 11/01/2014 06:54

(HNM) - Ba tập đoàn nhà nước là EVN, Viettel và VNPT vừa công bố đạt lợi nhuận lớn, lần lượt là 4.404 tỷ đồng, 35.086 tỷ đồng và 9.265 tỷ đồng... Những con số đó là niềm mơ ước với bao doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này.

Và, sẽ chẳng có gì để nói thêm nếu như không có những chuyện "bên lề".

Năm 2013, việc các "nhà mạng" đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G đã được Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam xếp là "điểm nóng làng công nghệ". Và ngay khi vừa bước sang năm mới ít ngày thì EVN lại "bắn" tín hiệu về chủ trương tăng giá điện trong năm 2014. Ngành điện lấy lý do kinh doanh không có lãi nên không có vốn đầu tư, không thu hút được các nhà đầu tư tham gia, vì thế phải tăng giá điện. EVN cũng lại một lần nữa cho rằng việc tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội đã làm tăng lỗ của tập đoàn...

Vậy thì thực hư chuyện lỗ, lãi ra sao? Vì sao đã lãi lớn mà EVN vẫn đòi tăng giá điện? Trong khi kinh tế khó khăn, chi phí tiêu dùng tăng cao khiến đời sống người dân chật vật, tại sao ngành điện đã có lãi rồi mà vẫn muốn tăng giá? Khác với viễn thông, điện là thứ hàng hóa thiết yếu, có thể nắm vai trò điều tiết với nền kinh tế. Giá điện tăng hay giảm sẽ có tác động lập tức đến đời sống, đến giá của nhiều hàng hóa khác. Vậy vì sao ngành điện lại không giữ ổn định giá để thực hiện tốt nhất trọng trách mặt hàng "đầu vào" quan trọng của nền kinh tế, chia sẻ khó khăn hiện tại với đất nước? Trước đây, EVN đã nhiều lần than lỗ, nhưng theo thông báo kết luận thanh tra việc sử dụng nguồn vốn và tài sản tại EVN được công bố hôm 9-1 thì đơn vị này đầu tư ngoài ngành vượt vốn điều lệ trên 45 nghìn tỷ đồng, chưa nộp về quỹ bảo vệ và phát triển rừng, chi phí dịch vụ môi trường rừng số tiền trên 533 tỷ đồng, có đơn vị thành viên còn tạm ứng quỹ khen thưởng phúc lợi trên 7 tỷ đồng, hàng chục dự án điện chậm tiến độ dẫn đến thiếu hụt sản lượng điện và tăng chi phí đầu tư cho dự án…

Tương tự, các nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone cũng than vãn bị lỗ và cần tăng giá cước 3G. Và thực tế họ đã gây ra cú sốc trong dư luận khi quyết định tăng cước mặc dù không lý giải được lỗ vì đâu và sẽ có giải pháp nào khắc phục ngoài việc tăng giá. Giờ đây, với con số lãi công bố lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, phải chăng có những dịch vụ họ đang lãi khủng khiếp, mà vẫn không chịu chia sẻ gánh nặng với người dân và nền kinh tế?

Rõ ràng, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, gần 61 nghìn doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động, hàng chục nghìn doanh nghiệp khác đang điêu đứng, làm ăn lay lắt do chi phí đầu vào liên tục tăng cao, thì việc một số tập đoàn "đầu tàu" hưởng lãi "khủng" và liên tục đòi tăng giá là điều bất hợp lý, thể hiện sự mâu thuẫn trong công tác quản lý, vậy mà hầu hết những lần họ đưa "yêu sách" tăng giá đều được cơ quan quản lý chấp thuận.

Cuối cùng, xin được nhắc lại lời của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trong hội nghị tổng kết của EVN vừa diễn ra cách đây mấy ngày: Giá điện ở Việt Nam hiện nay không còn được coi là rẻ nữa. Đã đến lúc toàn ngành cần quán triệt, bên cạnh việc định hướng tất yếu theo giá thị trường, cần tập trung cho việc tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp theo hướng tối ưu, mục tiêu bao trùm là hướng tới khách hàng, khách hàng cần phải được hưởng những dịch vụ tương xứng với một giá điện cạnh tranh, minh bạch.

Thiết nghĩ, chỉ đạo này của Phó Thủ tướng đã quá rõ ràng rồi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãi lớn vẫn tăng giá, ai hưởng lợi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.