(HNM) - Tết vừa rồi, mọi nhà, dù khó mấy cũng cố mà lo lấy mâm cơm cúng các cụ, lo cho lũ trẻ có được cái bánh chưng, manh áo mới. Giá cả cuối năm 2010 đã tăng đến chóng mặt, nói gì đến mấy ngày áp Tết. Nhà nhà vẫn có Tết cả đấy, nhưng xem ra mức chi tiêu thì có tăng, mà mâm cơm ngày Tết có phần vơi đi ít nhiều.
Người tiêu dùng chưa hết lo cho bữa cơm thường nhật, thì những thông tin về khả năng giá điện, nước, xăng dầu... những loại "hàng đặc biệt" của tất cả mọi thứ "đầu vào" cho sinh hoạt và sản xuất sắp tăng, càng khiến nỗi lo ấy không hề giảm bớt.
Thêm nữa, việc điều chỉnh tỷ giá đồng USD, nói như nhiều chuyên gia kinh tế, có thể hỗ trợ cho xuất khẩu, nhưng cũng đồng thời làm cho các mặt hàng nhập khẩu đắt hơn. Như thế, đâu chỉ các nhà sản xuất mà hơn 80% dân số nước ta sống bằng nghề nông và ở nông thôn, chắc hẳn sẽ bị ảnh hưởng, khi mà hầu hết vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi lại vốn là hàng nhập khẩu.
Những chuyên gia kinh tế am hiểu về lĩnh vực này cho rằng, trong tình hình thực tế hiện nay, Chính phủ cần thực hiện các biện pháp đồng bộ, không chỉ là điều chỉnh tỷ giá, mà trước hết phải giữ sao không để bội chi ngân sách; tăng hiệu quả đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước, mà điều quan trọng là phải kiểm soát việc đầu tư và tài chính của các doanh nghiệp nhà nước.
Người lao động, không mấy ai hiểu thuật ngữ CPI là gì; với họ, sự tăng giá của điện, nước, xăng dầu... chắc chắn sẽ góp phần làm bữa cơm của họ vơi dần.
Lương công nhân đã thấp, lương của cán bộ, công chức cũng chẳng khá hơn gì (dẫu cũng vừa được tăng cách đây vài tháng). Thế nhưng các ngành điện, nước, xăng dầu cứ lấy mức chi tiêu của mấy nước cỡ phát triển đem so sánh với mức thu nhập chưa vượt mức trung bình thế giới của dân mình!
Điện thiếu. Tại trời không mưa. Nước thiếu. Tại không đủ điện. Xăng tăng. Vì giá dầu thế giới tăng. Cái "công thức" cứng suốt bao năm ấy, đến nay xem ra vẫn chưa có lời giải thỏa đáng.
Đúng là, khi các nhà hoạch định chính sách chưa có được cái nhìn dài hơn, thậm chí không muốn nói "tư duy nhiệm kỳ" còn đặt dấu ấn lên mỗi công trình, dự án, kế hoạch thì bát cơm của người lao động sẽ còn khó đầy đặn hơn. Để rồi, cứ sau mỗi lần điều chỉnh ấy, người lao động lại thêm một lần lo vì... giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.