Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lại lo ghìm cương tăng giá

Hương Ly| 17/03/2012 07:05

(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai tháng đầu năm nay tăng 2,37%. Mặc dù đây là mức tăng thấp so với cùng kỳ các năm, nhưng việc giá xăng dầu, giá gas   tăng cao sẽ khiến mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm nay ở mức một con số trở nên rất khó khăn.

Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, riêng lần điều chỉnh giá xăng, dầu ngày 7-3-2012 sẽ tác động làm tăng CPI cả năm nay thêm khoảng 0,85%. Theo quy luật, khi giá những mặt hàng đầu vào thiết yếu của nền kinh tế tăng cao, một mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập khiến bài toán kiềm chế lạm phát có thêm nhiều thách thức mới.

Các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đều tăng theo giá xăng. Ảnh: Trung Kiên


Hình thành một mặt bằng giá mới

 Dồn dập trong những tháng đầu năm nay, giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã liên tục tăng cao. Sau 4 đợt giá gas bán lẻ liên tục tăng tổng cộng hơn 100.000 đồng/bình 12kg, xăng dầu cũng tăng giá. Ngay sau thông tin tăng giá xăng, nhiều mặt hàng đã rục rịch tăng giá. Tại một số khu chợ trên địa bàn Hà Nội, nhiều mặt hàng thực phẩm đã tăng giá 10-20% với lý do xăng tăng, giá vận chuyển tăng. Giá thịt lợn đã tăng 5-7%, hiện ở mức 120.000 - 160.000 đồng/kg tùy loại, thịt bò dao động 180.000-260.000 đồng/kg. Với các loại mặt hàng rau củ quả, giá đã điều chỉnh tăng mạnh, nhất là với các loại rau trái mùa như rau muống hiện ở mức 12.000-15.000 đồng/mớ, mồng tơi 5.000 đồng/mớ… Các mặt hàng thủy hải sản do chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng cước vận chuyển nên giá cả đã tăng khá mạnh. Trong đó, cá thu tăng từ 150.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg, cua biển tăng từ 400.000 đồng lên 450.000 đồng/kg… Hàng thực phẩm đóng hộp, ăn liền như mì tôm, thịt hộp, các loại thực phẩm đông lạnh cũng tăng giá… theo giá xăng. Mì Omachi tăng từ 160.000 đồng/thùng lên 175.000 đồng/thùng, các loại thực phẩm đông lạnh cũng tăng giá 3.000-5.000 đồng/hộp…

Xăng, dầu tăng giá đẩy cước vận tải tăng thêm khoảng 10% cũng ảnh hưởng trực tiếp tới giá hàng hóa tại các siêu thị. Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, từ cuối tháng 2 các mặt hàng hóa mỹ phẩm như sữa tắm, dầu gội đầu, nước xả vải... đã tăng 5-10% so với giá bán trước đó và tới đây sẽ tiếp tục đón nhận đợt tăng giá mới. Tại các hệ thống siêu thị như Big C, Fivimart, Citimart tuy không xảy ra tình trạng tăng giá đột ngột do vẫn còn lượng hàng dự trữ, song đại diện các siêu thị cho biết, khoảng 1-2 tuần sau khi xăng tăng, các nhà cung cấp sẽ lần lượt đề nghị tăng giá hàng hóa và hơn một tháng sau sẽ áp dụng mức giá mới. Đợt tăng giá xăng, dầu lần này ảnh hưởng rõ nhất tới khối các DN vận tải và sản xuất. Nhiều DN vận tải hàng hóa, du lịch cho biết, các hợp đồng ký mới sẽ phải tăng giá tối thiểu 5%. Với các hợp đồng đã ký trước đó cũng phải thương lượng lại giá vì xăng dầu đã tăng thêm 10%. Một số hãng taxi đã kiến nghị điều chỉnh giá cước tăng khoảng 2.000 đồng/km do giá xăng dầu tăng. Các hãng xe khách liên tỉnh ngay sau khi xăng, dầu tăng giá đã nhanh tay tăng tối thiểu 10.000 đồng/người/lượt, tùy theo tuyến đi. Khối DN sản xuất cũng ảnh hưởng không nhỏ từ đợt tăng giá xăng lần này. Theo tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam, để sản xuất 1 tấn thép, nhà  máy tiêu tốn 35-40kg dầu, như vậy giá xăng dầu tăng, mỗi tấn thép xuất xưởng phải cộng thêm ít nhất 50.000-75.000 đồng, tạo thêm áp lực cho ngành thép.

Không để lợi dụng "té nước theo mưa"

Theo Bộ Tài chính, riêng đợt tăng giá xăng dầu gần đây sẽ tác động khiến CPI cả năm tăng thêm khoảng 0,85%, trong đó tác động trực tiếp là 0,24% và tác động gián tiếp là 0,61%. Tuy nhiên, mức tăng giá xăng dầu vừa qua chỉ bằng 12,56-40,95% mức đáng ra phải điều chỉnh. Nếu tính đủ cả mức thuế theo barem của nhà nước vào trong đợt điều chỉnh vừa qua thì giá bán lẻ xăng dầu sẽ phải tăng khoảng 4.500-6.000 đồng/lít và theo quy định thuế nhập khẩu xăng dầu kịch trần là 35%. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, khi điều hành giá, nhà nước luôn cân nhắc tác động tới toàn bộ nền kinh tế, trong đó có mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và DN. Trong đợt điều chỉnh giá mới đây, nhà nước chấp nhận lùi thuế về 0% để hạn chế tác động tăng giá, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát, giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng. Giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động SXKD của DN, song Bộ Tài chính sẽ có giải pháp kiểm tra để DN không lợi dụng tăng giá xăng dầu để tăng giá sản phẩm. Đơn cử, với DN vận tải ô tô, 40% giá cước của họ là xăng dầu, nếu bình quân giá xăng dầu tăng 7,3%, họ chỉ được tăng 3% giá cước. Nếu họ lại tăng 7%  tức là tăng sai và Bộ Tài chính sẽ kiểm soát việc đó.

Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định, tổ điều hành liên bộ Tài chính - Công thương đã cân nhắc kỹ mức tăng giá xăng dầu với mục tiêu kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết của Chính phủ là bảo đảm dưới hai con số. Sau khi điều chỉnh tăng giá xăng, với chức năng quản lý, Bộ Tài chính sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra về giá, trong đó có giá xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu để công khai minh bạch, không để lợi dụng "té nước theo mưa".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lại lo ghìm cương tăng giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.