(HNM) - Cùng với mục tiêu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) trong dịp Tết sắp tới, Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đã quyết định tăng số lượng đoàn thanh kiểm tra liên ngành từ trung ương đến xã, phường so với năm trước.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cảnh báo, khi nhu cầu tiêu dùng lớn, nếu không kiểm soát tốt sẽ là cơ hội để các sản phẩm trôi nổi, không nguồn gốc, kém chất lượng... bung ra thị trường.
Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ Thành Công. Ảnh: Văn Chiến |
Tử vong do ngộ độc thực phẩm tăng
Theo báo cáo của Cục ATTP, trong năm 2014 (tính đến ngày 15-12), toàn quốc ghi nhận 189 vụ NĐTP với hơn 5.100 người mắc, 4.100 người nhập viện và 43 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2013, mặc dù số người mắc giảm 402 người, số người nhập viện giảm 901 người nhưng số vụ NĐTP lại tăng 22 vụ và số trường hợp tử vong tăng 15 người (khoảng 50%). Từ đầu năm đến nay, mặc dù thực trạng bảo đảm VSATTP trên cả nước đã được cải thiện đáng kể nhưng trên thực tế, số lượng cơ sở vi phạm vẫn rất lớn khiến nguy cơ mất ATTP luôn tiềm ẩn.
Cũng theo thống kê của Cục ATTP, trong tổng số hơn 514.000 cơ sở được kiểm tra trong năm 2014 có đến hơn 112.000 cơ sở vi phạm (chiếm gần 21%). Các vi phạm chủ yếu tập trung ở điều kiện vệ sinh cơ sở, dụng cụ, trang thiết bị sản xuất thực phẩm không bảo đảm... Tổng số tiền xử phạt các cơ sở sai phạm về ATTP trên cả nước năm 2014 lên đến trên 17 tỷ đồng. Riêng tại Cục ATTP đã xử lý 113 cơ sở với số tiền phạt gần 2,5 tỷ đồng (cao gần gấp 3 lần năm 2013). Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành lấy hơn 14.000 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm. Các kết quả cho thấy, khoảng 13,6% số mẫu không bảo đảm chất lượng, thậm chí có những sản phẩm vi phạm tiêu chuẩn chất lượng nghiêm trọng. Đơn cử như: Thực phẩm chức năng chứa tân dược, thực phẩm nhiễm ecoli, coliform, nấm mốc… gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.
Tết Ất Mùi và mùa lễ hội xuân 2015 sắp tới, công tác ATTP lại là một nỗi lo lớn. Ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh, trong dịp Tết, lượng tiêu thụ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo… đều tăng lên đột biến. Thậm chí, có những mặt hàng tăng từ 200-300% so với ngày thường. Đa số các cơ sở sản xuất thực phẩm cung ứng cho nhu cầu dịp Tết, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ, mang tính thời vụ thường vi phạm điều kiện trong sản xuất, chế biến như: Điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị, nguồn gốc thực phẩm, vệ sinh... dẫn đến thực phẩm không an toàn. Chính vì vậy, việc tập trung kiểm tra, nhằm phát hiện ngay những sai phạm trong ATTP Tết là rất cần thiết.
Sẽ công bố các thực phẩm mất an toàn trước Tết
Cùng với việc Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP thành lập 6 đoàn kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm (gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Cà Mau, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Tây Ninh), từ nay đến hết tháng 3-2015, các địa phương cũng tăng cường các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tại tất cả các cấp từ tỉnh đến quận, huyện, xã, phường; trong đó tập trung vào những mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết, nhất là cơ sở có dấu hiệu vi phạm, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại... Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành thông tin rộng rãi đến người dân về những cơ sở vi phạm và những cơ sở thực hiện tốt, những địa chỉ tin cậy về chất lượng ATTP.
Để việc thanh kiểm tra thực phẩm Tết tránh tình trạng "ném đá ao bèo", theo ông Nguyễn Thanh Phong, có một thực tế diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua, đó là nhiều cơ sở có đầy đủ thủ tục hồ sơ theo quy định, từ việc đăng ký, công bố tiêu chuẩn sản phẩm nhưng đến khi sản xuất thì không đúng theo hồ sơ. Chính vì vậy, bên cạnh việc làm tốt công tác tiền kiểm, cần phải đẩy mạnh công tác hậu kiểm nhằm đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm khi lưu thông trên thị trường, đến tay người tiêu dùng. Khi phát hiện các sai phạm cần xử lý nghiêm để tránh tình trạng tái diễn. Mặt khác, để nâng cao hiệu quả công tác thanh kiểm tra, Cục ATTP đã yêu cầu tập trung lấy mẫu xét nghiệm và đề nghị các phòng xét nghiệm ưu tiên tiến hành xét nghiệm nhanh, kết quả có sớm để công bố đến người tiêu dùng ngay trước Tết. "Điều này nhằm tránh được tình trạng kiểm tra trước Tết hàng tháng nhưng nhiều mẫu kiểm nghiệm sau Tết mới có kết quả như mọi năm khiến hiệu quả cảnh báo không cao", ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định.
Những giải pháp của ngành chức năng trước "ma trận" các loại thực phẩm mất an toàn bủa vây người tiêu dùng cứ mỗi dịp Tết đến liệu có thực sự mang lại hiệu quả, kéo giảm số vụ NĐTP trong thời gian tới hay không xem ra vẫn còn phải chờ.
Không có loại thực phẩm nào không tồn dư hóa chất Một trong những mối lo ngại đối với người tiêu dùng hiện nay là việc trong hoa quả, thực phẩm có tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết, trên thực tế hầu như không có loại thực phẩm nào không tồn dư hóa chất. Tuy nhiên, thực phẩm chỉ mất an toàn khi lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật tồn dư vượt ngưỡng cho phép. Còn lượng tồn dư hóa chất trong hoa quả, thực phẩm trong ngưỡng cho phép thì người dân hoàn toàn yên tâm sử dụng. Tuy vậy, ranh giới giữa trong ngưỡng và vượt ngưỡng rất mong manh do hành vi vi phạm trong sản xuất thực phẩm ngày càng tinh vi hơn, sử dụng công nghệ cao hơn và chỉ có thể phát hiện được thông qua kiểm nghiệm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.