(HNM) - Trái với thông tin ban đầu về những quyết định nặng tay đối với hành vi phản ứng trọng tài của cầu thủ Quốc Long (Hà Nội T&T), Ban Kỷ luật chỉ đưa ra mức phạt 10 triệu đồng và treo giò 3 trận, tức là bằng đúng 50% so với mức phạt cầu thủ Hoàng Danh Ngọc với lỗi tương đương vào một tuần trước. Dường như, trong "cuộc chiến" lập lại kỷ cương cho bóng đá Việt Nam, Ban Kỷ luật vẫn thiếu một "bàn tay sắt".
Một tuần trước, Ban Kỷ luật phạt cầu thủ Hoàng Danh Ngọc với mức treo giò 6 trận và phạt 20 triệu đồng với lý do "chửi thề trên sân". Trong quyết định này, Ban Kỷ luật không hề khẳng định là Danh Ngọc chửi trọng tài, bởi theo một thành viên trong ban thì nếu xác định là chửi trọng tài thì mức phạt phải nặng hơn.
Ảnh: TT&VH |
Một tuần sau, trong một tình huống tương tự, vẫn là trọng tài Ngô Quốc Hưng đã bị cầu thủ Quốc Long chửi tục và đe dọa: "Mày biết tao là ai không?". Ở tuần trước, ông Ngô Quốc Hưng không nghe thấy Hoàng Danh Ngọc chửi mình nên trong báo cáo gửi về đã không khẳng định chi tiết này. Còn trong báo cáo gửi BTC giải ngày 25-3, trọng tài Ngô Quốc Hưng đã khẳng định chắc nịch Quốc Long đã chửi mình và đe dọa với lời lẽ nêu trên.
Đặt lên bàn cân, rõ ràng mức vi phạm của Quốc Long nặng hơn nhiều, ít nhất ở những bằng chứng mà Ban Kỷ luật thu thập được. Thế nhưng, quyết định cuối cùng được đưa ra chỉ là một mức án nhẹ hơn khá nhiều, bởi trên thực tế, nếu không có án phạt của Ban Kỷ luật thì Quốc Long vẫn bị treo giò 2 trận do nhận thẻ đỏ trực tiếp từ trọng tài. Tức là Ban Kỷ luật chỉ phạt cầu thủ này thêm một trận, trong khi đó, trường hợp của Danh Ngọc là bị phạt thêm 5 trận bên cạnh việc nghỉ một trận vì dính 2 thẻ vàng.
Được biết, sở dĩ mức phạt cho hai cầu thủ này khác nhau là bởi Ban Kỷ luật áp khung khác nhau đối với các mức vi phạm. Danh Ngọc bị áp vào điều 40 Quy định kỷ luật (Xúc phạm danh dự), còn Quốc Long may mắn hơn khi chỉ bị áp vào điều 60 (Hành vi phản ứng trọng tài). Thế nhưng, nếu như Quốc Long đã bị trọng tài báo cáo là đã chửi trọng tài thì tại sao lại không bị áp khung vào điều 40 dành cho những hành vi xúc phạm danh dự người khác. Dường như, đây chính là lỗ hổng trong bản quy định kỷ luật khiến cho các quyết định đưa ra không thuyết phục được dư luận khi thiếu tính răn đe và công bằng.
Trong ngày hôm qua (28-3), Ban Kỷ luật cũng bỏ qua lỗi vi phạm để khán giả đốt pháo sáng ở các sân Ninh Bình và Kiên Giang. Trước đây, đã từng có hàng loạt sân bóng phải chịu khổ với khán giả Hải Phòng, bởi cứ mỗi lần đá sân khách là cổ động viên đội này lại mang theo pháo sáng ra đốt để BTC sân của đội chủ nhà bị phạt. Các BTC sân đều phải bấm bụng chịu phạt, bởi về lý thuyết, mọi hành vi thiếu an toàn trên địa bàn của mình thì đều phải chịu trách nhiệm. Cứ tưởng với lý lẽ đó thì BTC sân Ninh Bình và Kiên Giang sẽ đương nhiên bị phạt, nhưng đáng tiếc là quyết định lần này lại là "trắng án".
Hôm qua (28-3), chỉ có một quyết định mang tính cứng rắn được Ban Kỷ luật đưa ra là phạt 5 triệu đồng đối với CLB SQC.Bình Định vì không chịu vào phòng thay đồ trong giờ nghỉ giữa trận. Quyết định này là đúng, nhưng chưa đủ. Bởi lẽ chuyện không vào phòng thay đồ lúc giữa trận không phải là chuyện hiếm ở bóng đá nội. Ngay trong trận đấu CLB Bóng đá Hà Nội gặp Navibank Sài Gòn tuần vừa rồi, đội bóng của bầu Nguyễn Đức Kiên cũng đâu có thực hiện quy định này. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.