(HNM) - Câu chuyện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 có nhiều bất cập cần phải sửa đổi tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, một luật chưa đến thời điểm có hiệu lực đã phải sửa đổi. Bất cập chủ yếu xoay quanh Điều 60 với nội dung là người lao động (NLĐ) có thể lĩnh BHXH "một cục" khi cần thiết bên cạnh việc chờ đến khi hết tuổi lao động, sẽ lĩnh lương hưu cho đến chết. Khi xây dựng điều này, vì quyền lợi của NLĐ, những người soạn thảo đã để luật cởi mở hơn, giải quyết nhiều khó khăn cho NLĐ trong những trường hợp cụ thể như chỉ tham gia làm công nghiệp trong một thời gian ngắn, người lao động mắc chứng nan y hoặc chết sớm, gia đình gặp chuyện đặc biệt khó khăn cần có tiền ngay để giải quyết, doanh nghiệp không đủ việc làm phải giãn thợ... Nhưng do chủ quan, xa rời cuộc sống, không tính hết mọi khả năng lại chậm có văn bản hướng dẫn thi hành luật, tuyên truyền không đến nơi đến chốn…, khiến nhiều người hiểu lầm rằng sở dĩ có những quy định này vì cần cứu quỹ BHXH đang sắp vỡ vì tuổi thọ người Việt Nam đang tăng lên; lấy một cục tiền tưởng to, nhưng tiêu hết thì tuổi già biết sống bằng gì, trả BHXH một cục ngân sách sẽ có lợi hơn, cách quy định của luật là Nhà nước ăn chắc còn NLĐ không còn cách lựa chọn nào khác… Sự hiểu lầm đã dẫn đến nhiều bức xúc. Và sự việc đã "nóng" đến mức, đại diện cao nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam của chính quyền TP Hồ Chí Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… phải vào cuộc. TP Hồ Chí Minh ngừng tuyên truyền, triển khai luật BHXH mới chờ thông tư hướng dẫn...
Cũng từ chuyện này nhớ về hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật xa rời thực tế đời sống nên không được sự đồng thuận, vừa thi hành đã phải sửa đổi hoặc ngừng lại không thi hành. Ví như người thấp bé nhẹ cân không được điều khiển xe cơ giới, hay việc không cấm sản xuất buôn bán mà chỉ cấm sử dụng mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng chỉ được bán thịt gia súc gia cầm giết mổ chưa quá 8 giờ; cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nếu thi vào đại học và mới đây nhất là dự thảo tịch thu xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ nếu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định.
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy việc soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật dù đã được quy định khá chặt chẽ về quy trình nhưng đang tồn tại nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện. Ví dụ, việc soạn thảo được giao cho các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là các công chức, nhưng không phải ai cũng có kiến thức sâu rộng, nhận thức thấu đáo. Trong khi đó, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật không chỉ đòi hỏi trình độ mà còn đòi hỏi kỹ năng, do vậy không ít văn bản ra đời không sát thực tế, thiếu khách quan.
Từ những vấn nêu trên có thể thấy việc chúng ta cần thay đổi cách làm. Có thể giao cho một bộ phận độc lập bao gồm các chuyên gia, có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực cần điều chỉnh trong văn bản quy phạm pháp luật, có trình độ pháp lý kỹ năng soạn thảo văn bản… Như vậy sẽ có được "sản phẩm" khách quan và phù hợp với thực tế có thể vận hành trong đời sống. Thêm nữa, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền để văn bản quy phạm pháp luật nhanh chóng đi vào cuộc sống cũng phải có hình thức xử lý trách nhiệm với những bộ phận soạn thảo văn bản gây hiệu ứng tiêu cực trong xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.