(HNM) - Xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu hay thương hiệu, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng với doanh nghiệp. Không ít đơn vị đã rơi vào cảnh thiệt thòi khi bị doanh nghiệp nước ngoài đánh cắp, sử dụng nhãn hiệu hàng hóa của mình. Đơn cử, thương hiệu nước mắm Phú Quốc, thuốc lá Vinataba từng “lưu lạc” sang tận châu Âu, nước Mỹ và bị các doanh nghiệp sở tại biến thành của riêng.
Mới đây, dư luận lại lo ngại trước nguy cơ Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam có thể bị mất nhãn hiệu VIFON, hay “phở Thìn” danh tiếng lại xuất hiện ở thị trường Australia nhưng dưới tên sở hữu của doanh nghiệp xa lạ. Các nhãn hiệu trên vẫn đang được "khổ chủ" chật vật đòi lại nhưng cuộc chiến pháp lý không hề đơn giản. Bởi đơn cử như với nhãn hiệu “phở Thìn”, trên thực tế một công ty của Australia đã đăng ký tại nước này từ ngày 7-2-2020 trong khi đến tận 31-12-2020, đại diện phía Việt Nam mới đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của mình tại đây.
Trước tình trạng trên, Bộ Công Thương đã khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin, các quy định liên quan đến nhãn hiệu, thương hiệu ở các thị trường nước ngoài. Trước hết, việc đăng ký bảo hộ ở Việt Nam không có nghĩa là đương nhiên được bảo hộ ở nước khác. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến điều khoản trong hợp đồng với đại lý phân phối sản phẩm ở nước ngoài liên quan đến sử dụng nhãn hiệu, thời gian, phương thức thanh toán phải cụ thể, rạch ròi nhằm tránh bị lợi dụng.
Về vấn đề này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã tổ chức một số lớp tập huấn, tăng cường tuyên truyền cũng như có thể tư vấn, phối hợp với cơ quan chức năng trong bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu của doanh nghiệp. Song, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự bảo vệ mình của mỗi đơn vị, đừng để rơi vào cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.