(HNM) - Những sai phạm nối tiếp sai phạm tại Công ty CP Vật liệu xây dựng - Xuất nhập khẩu Hồng Hà đã gây ra những hậu quả đáng tiếc cho xã hội. Đồng thời qua đó cho thấy những "khe hở" trong công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp…
Rõ ràng, những sai phạm tại Công ty CP Vật liệu xây dựng - Xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà), dù là những vụ việc riêng lẻ nhưng đều là sai phạm có chủ định và mang tính hệ thống. Từ việc dùng pháp nhân không còn tồn tại, con dấu không còn giá trị, lừa dối cơ quan chức năng để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải của mình; đến việc sử dụng giấy chứng nhận đó vừa làm tài sản bảo đảm vay tiền của tổ chức tín dụng, vừa dùng làm "vốn" hợp tác làm ăn với một doanh nghiệp (DN) khác là một hệ thống từ sai phạm này đến sai phạm khác. Khi những sai phạm rành rành đó không bị xử lý đến nơi đến chốn thì tất yếu sẽ dẫn đến những sai phạm khác. Đó là hành vi lợi dụng dự án nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ - một dự án có ý nghĩa chính trị, xã hội lớn - để huy động trái phép hàng trăm tỷ đồng của rất nhiều hộ dân, trong đó có không ít cán bộ về hưu dành dụm được số tiền ít ỏi sau hàng chục năm công tác.
Sai phạm ở Công ty Hồng Hà, thực chất trách nhiệm thuộc về lãnh đạo công ty vì không thể ai khác ngoài họ làm được hồ sơ "giả" để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; không thể ai khác ngoài họ dùng danh nghĩa công ty để lập hồ sơ vay tín dụng, ký kết liên doanh, hợp tác hay hứa hẹn huy động vốn... Là một công ty cổ phần từ DN nhà nước, nhưng ở đây người đại diện quản lý phần vốn của Nhà nước không được tôn trọng; kể từ Đại hội cổ đông lần thứ nhất (năm 2007), nhiều năm liền công ty này không họp hội đồng quản trị (HĐQT), không tổ chức đại hội cổ đông thường niên, không quyết toán tài chính, quyết toán hậu cổ phần… theo quy định của Luật DN. Nếu đối chiếu theo các quy định, hành vi trên của Công ty Hồng Hà cần phải xem xét để thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Khi Thanh tra thành phố Hà Nội đặt lịch làm việc công bố quyết định thanh tra công ty, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty còn gửi thư tay đến Trưởng đoàn Thanh tra với nội dung, các cuộc thanh tra, kiểm tra do bất kể cơ quan nào, cấp nào căn cứ đề nghị của Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC (có vốn góp hơn 30%) kể từ thời điểm công ty thực hiện cổ phần hóa đều không hợp lệ, trái luật và Công ty Hồng Hà có quyền từ chối…?! Trên thực tế, công ty đã nhiều lần từ chối làm việc cũng như gửi báo cáo cho đoàn thanh tra. Vấn đề được đặt ra là động cơ đằng sau những hành vi vi phạm trên là gì? Liệu cá nhân lãnh đạo công ty có vụ lợi? Xin chuyển câu hỏi này cho cơ quan chức năng
Ở đây cũng cần bàn thêm về hành lang pháp lý và cơ chế quản lý DN. Hiển nhiên, trong nền kinh tế thị trường, quyền tự chủ thuộc về DN, nhưng cùng với quyền tự chủ là hành lang pháp lý để DN phải có trách nhiệm tương ứng. Tuy nhiên, thực tế cơ chế quản lý hiện chưa đủ mạnh, còn nhiều kẽ hở bị lợi dụng lách qua. Đương nhiên, khi người ta đã cố tình vi phạm thì việc quản lý sẽ khó hơn gấp nhiều lần, song qua câu chuyện cấp "sổ đỏ" cho một pháp nhân không tồn tại, nhiều người sẽ phải đặt câu hỏi cả một bộ máy quản lý nhà nước từ địa phương đến sở, ngành, thành phố ở đâu mà không phát hiện ra? UBND phường Phúc Xá, nơi quản lý thửa đất 33 Tân Ấp, thừa nhận nhiều năm liền không hề biết công ty này đã chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là cơ quan tham gia thẩm định tài sản của công ty khi xác định giá trị DN cổ phần hóa, biết rõ không có thửa đất 33 Tân Ấp, nhưng cũng chính sở này đã thụ lý, thẩm định hồ sơ xin cấp "sổ đỏ" thửa đất nói trên cho DN này? Phải chăng do cùng một sở, nhưng hai bộ phận thẩm định khác nhau, làm hai công việc khác nhau, nên không phát hiện ra hành vi gian dối?! Vấn đề nữa là ranh giới giữa quan hệ dân sự và dấu hiệu vi phạm hình sự không rõ ràng. Một chuyên gia tư vấn pháp lý cho rằng, trong nền tư pháp đổi mới các quan hệ dân sự được giải quyết tại tòa án dân sự, nếu không có dấu hiệu vi phạm hình sự rõ ràng cơ quan điều tra khó vào cuộc, bởi không khéo sẽ thành "hình sự hóa quan hệ dân sự". Ở đây, có thể thấy rõ những "khe hở" nhỏ trong công tác quản lý, nhưng đã gây ra những hậu quả xã hội không nhỏ.
Xung quanh những sai phạm tại Công ty Hồng Hà, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật kịp thời thông tin đến bạn đọc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.