Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lạc quan thận trọng

Phương Quỳnh| 29/10/2011 06:06

(HNM) - Sau một đêm thức trắng tại Brussels (Bỉ), cuối cùng, sáng 27-10, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất được gói giải pháp tài chính quan trọng gồm 3 điểm giúp khu vực tạm thời vượt qua tình trạng nguy kịch của "cơn sốc nợ".

Sau một đêm thảo luận, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được một thỏa thuận ba mũi nhọn nhằm giải quyết khủng hoảng nợ công trong khu vực.

Bên cạnh kế hoạch tái cơ cấu vốn các ngân hàng vào tháng 6-2012 và tăng Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 440 tỷ euro hiện nay lên 1.000 tỷ euro, bước đột phá của hội nghị là "cái gật đầu" của các ngân hàng đồng ý xóa 50% khoản nợ ước tính lên tới 350 tỷ euro cho Hy Lạp. Đây là điểm then chốt mang tính quyết định đối với thành công của kế hoạch chống khủng hoảng. Cuộc xóa nợ vừa đạt được là một chướng ngại vô cùng gai góc mà trước hội nghị ít ai có thể tin các nhà lãnh đạo EU có thể vượt qua.

Vì thế, ngay sau khi kết quả hội nghị được loan báo, sắc xanh đã phủ kín thị trường chứng khoán toàn cầu như củng cố hy vọng của các nhà đầu tư trên một nền móng cơ bản trong giải pháp tổng thể nhằm chấm dứt tình trạng "suy nhược" kéo dài tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Kết thúc phiên giao dịch ngày 27-10, các cổ phiếu châu Âu đồng loạt tăng điểm trong khi thị trường chứng khoán ở Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực, đã tăng hơn 3%. Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 339,51 điểm, tương đương 2,86% lên 12.208,55 điểm. S&P và Nasdaq cũng có sóng tăng ấn tượng. Cùng xu hướng tích cực, tại châu Á, thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng tốc lên 3,26% và Tokyo (Nhật Bản) tăng hơn 2%. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, nếu giải pháp này được đưa ra sớm hơn, đồng euro đã có thể tránh được tình trạng bi đát hiện nay.

Tuy nhiên, dù đồng ý đây là những giải pháp cần thiết để giải quyết khó khăn cho đồng euro, phản ứng của giới chuyên môn vẫn tỏ ra rất thận trọng. Vì trên thực tế, việc triển khai thỏa thuận này ở 17 nước thành viên Eurozone như thế nào mới là yếu tố quyết định tới sự thành công của giải pháp được cho là toàn diện nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ bùng phát ở Cựu lục địa. Vướng mắc nằm ở chỗ, bằng cách nào để vừa phải giảm nợ vừa phải nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việc đạt được đồng thời hai mục tiêu trên sẽ là vô cùng khó khăn đối với Ailen và các nước Nam Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha và Italia, hai "chúa chổm" đang ngấp nghé trên bờ vực phá sản với tổng số nợ công lên tới gần 2.500 tỷ euro. Nếu không nhanh chóng đưa ra những chính sách phù hợp, sự sụp đổ của hai nền kinh tế lớn thứ ba và tư của khu vực sẽ khiến nỗ lực của các nhà lãnh đạo EU tại Brussels vừa qua trở thành vô nghĩa.

Mặt khác, về dài hạn, tình trạng khó khăn tài chính ở châu Âu chỉ được coi là hiện tượng chứ không phải nguyên nhân. Bản chất của khủng hoảng nợ là Eurozone đã không thể xây dựng được thể chế kiểu liên bang như Mỹ mà một thị trường tài chính chung đòi hỏi phải có. Khó khăn thực sự của EU nằm trong cơ chế tổ chức không thích hợp cho điều hành và giải quyết một ngôi nhà chung gồm 27 quốc gia với gần nửa tỷ người nhưng hầu như tự trị trong mọi lĩnh vực. Thực tế cũng cho thấy, châu Âu đang thiếu một thể chế chính trị trung ương và người ta có thể rút ra được rất nhiều bài học giá trị trong lịch sử mấy chục năm hình thành EU. Một là, hội nhập tài chính đòi hỏi phải loại trừ sự mất ổn định giữa các đồng tiền quốc gia. Hai là, việc triệt bỏ tận gốc rủi ro về tỷ giá hối đoái đòi hỏi phải có sự thống nhất về tiền tệ. Ba là, xây dựng một liên minh tiền tệ mà không có liên minh chính trị sẽ là "nhiệm vụ bất khả thi".

Do đó, thỏa thuận "ba mũi nhọn" vừa đạt được giữa các nhà lãnh đạo EU dù được xem là "bức tường lửa" cũng chỉ là một giải pháp nhất thời với tình hình khủng hoảng nợ công đang diễn ra tại Eurozone. Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ còn phải tiếp tục đối mặt với những quyết định "khó khăn" hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạc quan thận trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.