Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lạc lõng

Người Lái Đò| 13/05/2012 06:30

(HNM) - Xưa nay đã có nhiều người luận bàn về nghệ sĩ, nhưng không ai cho rằng hễ là nghệ sĩ danh tiếng thì phải có giải thưởng. Đành rằng giải thưởng văn nghệ sinh ra là để vinh danh nghệ sĩ, ghi nhận những cống hiến và đóng góp của họ đối với nghệ thuật, với xã hội, nhưng không phải khi nào tài năng của nghệ sĩ và giải thưởng cũng song hành.


Vì thế, tuy ít nhưng hiện tượng người làm nghệ thuật coi giải thưởng là lẽ sống, là đích hướng tới cho các tác phẩm nghệ thuật và bằng mọi giá để có giải thưởng được dư luận chân chính coi là một thứ vĩ cuồng… văn nghệ, lạc lõng ngay với những nghệ sĩ chân chính.

Thiên hướng của một nghệ sĩ là tạo ra tác phẩm nghệ thuật, tạo ra cái đẹp. Cái đẹp ở đây phải là cái đẹp thẩm mỹ, nhưng đồng thời phải là cái cao cả của tâm hồn. Lịch sử chứng minh rằng, văn nghệ sĩ tài ba có thể đứng vững với thời gian thường cũng là những bậc quân tử. Nguyễn Công Trứ, dù quan niệm "làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông" nhưng vẫn luôn thể hiện khí phách "Kiếp sau xin chớ làm người/Làm cây thông đứng giữa trời mà reo". Thi sĩ Tản Đà không phải không khát khao được ghi danh sử sách: "Sông Đà, núi Tản đúc nên ai/Trần thế xưa nay được mấy người", nhưng không vì thế mà không "Trung hiếu vẹn tròn hai khối ngọc/Thanh cao phô trắng một nhành mai".

Ở nước ngoài, đã có những nhà văn từ chối giải thưởng văn chương danh giá vì lòng tự trọng và không màng danh lợi, như Julien Gracq đã từ chối Giải thưởng Goncourt cho tác phẩm "Bờ biển Syrtes"…

Như vậy để thấy, giải thưởng không phải là tất cả đối với nghệ sĩ chân chính. Nhưng cũng có khi chính vì ý nghĩa lớn lao và tinh thần công minh, tôn vinh trong giải thưởng mà người nghệ sĩ phải rơi nước mắt vì xúc động!

Cách đây không lâu, trên các phương tiện thông tin đại chúng dấy lên nhiều tranh luận liên quan đến các giải thưởng văn học - nghệ thuật. Tranh cãi, rồi kiện tụng xảy ra làm rầu lòng những người yêu văn chương, nghệ thuật… Trong khi đó, những nghệ sĩ thực sự xứng đáng như nhạc sĩ Phạm Tuyên, dù đã chọn cách im lặng (vì vấn đề thủ tục) thì dư luận và những người có trách nhiệm đã lên tiếng, để rồi đã xứng đáng có tên trong danh sách Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT do Hội đồng cấp Nhà nước xét chọn.

Một tác phẩm nghệ thuật thực sự xuất sắc sớm hay muộn cũng sẽ được công chúng độc giả đón nhận, một nghệ sĩ thực sự tài ba sớm hay muộn cũng sẽ được xã hội tôn vinh bằng cách này hay cách khác. Đất nước ta cũng có rất nhiều nghệ sĩ dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật một cách trong sáng, thanh tao. Đoạt giải thưởng hay truy tặng giải thưởng với họ dường như là một cuộc "gặp gỡ" vui vầy trên hành trình dài hướng tới cái đẹp!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạc lõng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.