(HNM) - Câu chuyện một trường THPT tại Hà Nội áp dụng hình thức đình chỉ học 10 ngày đối với học sinh (HS) vì cho rằng có hành vi chưa chuẩn mực trên mạng xã hội đã làm
Việc định hướng để học sinh tự nhận ra khuyết điểm khi mắc lỗi là mục tiêu quan trọng nhất của nền giáo dục. Anh: Thái Hiền |
Quy định để cho có Năm 1988, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 08/TT-BGD&ĐT về việc thi hành kỷ luật HS các trường phổ thông. Từ đó đến nay chưa có một quy định mới nào thay thế, bổ sung cho quy định này. Chưa cần đề cập đến những nội dung cụ thể của thông tư, chúng ta cũng có thể chắc chắn rằng khó có một quy định nào lại không bị lỗi thời sau gần 30 năm ban hành. Do đó, dù hiệu lực của thông tư vẫn còn, nhưng đã mất nhiều tác dụng.
Có thể dẫn chứng ra một số điều tại Thông tư 08 không còn phù hợp với thực tế tại các nhà trường hiện nay như quy định áp dụng hình thức khiển trách trước lớp đối với HS "đi lao động không mang theo đầy đủ dụng cụ lao động mà nhà trường đã quy định từ 3 lần trở lên trong thời gian một tháng". Thực tế thì từ khá lâu, nhiều trường học trên cả nước, nhất là những trường ở khu vực thành thị đã không còn áp dụng hình thức tổ chức cho HS đi lao động, vì việc này đã có bộ phận lao công phụ trách.
Nhiều hiệu trưởng, giáo viên trực tiếp đứng lớp cho rằng bất cập của Thông tư 08 còn thể hiện ở chỗ nhiều biện pháp xử lý kỷ luật không đủ sức răn đe trong điều kiện hiện nay, nhưng các trường không thể tự bổ sung hoặc làm khác. Có rất nhiều hành vi xấu như quay cóp, nói tục, đánh bạc, có thái độ kém văn hóa hoặc hành vi thiếu đạo đức đối với thầy, cô giáo, với cha mẹ, bạn bè... thậm chí nghỉ học không xin phép từ 3 buổi trở lên trong một tháng, nếu HS vi phạm cũng chỉ bị khiển trách trước lớp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến HS "nhờn", dễ tái phạm, trong khi đó, nếu trường nào phạt nặng hơn quy định thì lại bị phụ huynh phản ứng.
Còn một thực tế khác đang khiến không ít lãnh đạo trường đau đầu, bởi những hành vi ứng xử chưa chuẩn của HS liên quan đến mạng xã hội ngày càng nhiều, nhưng chưa có một quy định cụ thể nào của cơ quan quản lý ngành về việc này. Bối cảnh xã hội hiện nay cũng xuất hiện khá nhiều hành vi khác của HS, ví dụ như nhuộm tóc, xăm mình, nói xấu người khác trên mạng xã hội, trang điểm quá đậm... khiến các trường băn khoăn, không biết nên định hướng ra sao, cách thức giáo dục thế nào cho phù hợp, bởi những điều này chưa có trong thông tư quy định của Bộ GD-ĐT ban hành gần 30 năm trước.
Kỷ luật không phải là hình thức giáo dục tốt nhất
Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy, đã đến lúc cơ quan quản lý ngành cần có những điều chỉnh, bổ sung về quy định kỷ luật HS cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã nhận thấy những bất cập trong quy định về kỷ luật HS hiện nay và đang nghiên cứu để xây dựng dự thảo thông tư mới về nội dung này, sau đó sẽ xin ý kiến đóng góp của các trường và xã hội để hoàn thiện.
Một trong những nội dung khiến nhiều nhà quản lý giáo dục còn trăn trở là có nên đưa hình thức "đuổi học" vào khung xử lý kỷ luật với HS hay không? Theo quy định hiện hành, thì có 2 trong tổng số 5 mức kỷ luật HS là đuổi học, gồm đuổi học 1 tuần lễ và đuổi học 1 năm. Quan điểm chung của nhiều chuyên gia thì đuổi học là một trong những biện pháp kỷ luật ít có tính giáo dục, thiếu khả thi nhất. Về vấn đề này, PGS Văn Như Cương nêu thẳng thắn: Kỷ luật không phải là hình thức giáo dục tốt nhất đối với HS, thậm chí có khi còn phản tác dụng, khiến các em rơi vào trạng thái bất mãn, chán chường. Hình thức đuổi học càng không phải là phù hợp, khiến các em có biểu hiện tiêu cực hơn. Ở nhiều nước tiên tiến, hình thức đuổi học được áp dụng hiệu quả bởi HS được chuyển đến nơi giáo dục phù hợp hơn, còn ở Việt Nam, do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế và nhiều lý do khác, việc bị đuổi học sẽ đồng nghĩa với việc các em bị đẩy ra khỏi sự quản lý, giáo dục của nhà trường, khiến các em dễ sa đà vào tệ nạn xã hội.
TS Nguyễn Tùng Tâm, Chủ tịch Hội Tâm lý, giáo dục học Hà Nội cho rằng, mục tiêu của việc kỷ luật là giáo dục, định hướng HS tự nhận ra khuyết điểm của mình để sửa chữa, có ý thức rèn luyện tiến bộ, chứ không phải là tìm cách để phạt HS thật nặng, khiến HS bị tổn thương, có tâm lý phản ứng tiêu cực hơn. Điều quan trọng là giáo viên phải luôn lắng nghe, kịp thời uốn nắn, giúp các em chín chắn hơn trong cả suy nghĩ và hành động. Khi HS mắc lỗi, việc đầu tiên cần làm không phải là tìm hình thức phạt, mà là phân tích, giảng giải để các em nhận thức được giá trị bản thân, nhận ra cái sai của mình, biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình, từ đó thúc đẩy ý thức tự kỷ luật. Kết quả gặt hái được sẽ bền vững hơn rất nhiều so với việc các em chỉ đối phó để làm vừa lòng người lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.