(HNM) - Thu này ở nước Pháp đã không còn mấy thi vị khi tần suất các cuộc biểu tình diễn ra ngày một dày đặc. Nếu như đầu tháng 9, hàng triệu người dân xuống đường để phản đối chính phủ trục xuất người du cư gốc Romania và Hungary thì trung tuần tháng này, hoạt động ở khắp các thành phố lớn lại tê liệt vì những cuộc biểu tình chống lại dự luật cải cách chế độ hưu trí đầy tranh cãi.
Chắc chắn cho đến cuối tháng này, nước Pháp chưa thể bình yên trở lại được do các tổ chức công đoàn đã kêu gọi người lao động trên toàn lãnh thổ tham gia bãi công phản đối trước khi dự luật được xem xét tại Thượng viện, "cửa ải" cuối cùng để chính thức ban hành thành luật.
Như vậy có nghĩa dù không được lòng dân chúng, ý tưởng cải cách đầy tranh cãi của Tổng thống Nicolas Sarkozy vẫn đạt được "bước tiến dài" kéo theo sự phẫn nộ của người lao động. Sự kiện dự luật được Hạ viện Pháp phê chuẩn với 329 phiếu thuận và 233 phiếu chống (ngày 15-9 vừa qua) đã thực sự làm bùng nổ cơn thịnh nộ của các nghiệp đoàn. Nếu chính phủ không tìm cách tháo "ngòi nổ" thì quy mô làn sóng đấu tranh sẽ ngày càng tăng lên, đe dọa sự phát triển ổn định kinh tế xã hội của nước Pháp vốn đang khá bấp bênh.
Dự luật cải cách do Tổng thống N.Sarkozy đề xuất đã "đụng chạm" đến nhiều tầng lớp và trên mọi khía cạnh: từ tuổi về hưu theo luật định, thời gian đóng góp vào quỹ hưu trí, hay việc đánh thuế bổ sung lên người giàu và doanh nghiệp… Trong đó, điểm gây tranh cãi nhất của kế hoạch là lộ trình đến năm 2018 sẽ tăng tuổi hưu lên 62 so với quy định hiện hành là 60. Trong bối cảnh nền kinh tế đang rất khó khăn do hậu quả "cơn bão nợ nần", Chính phủ Pháp coi việc tăng độ tuổi nghỉ hưu là một biện pháp hữu hiệu giúp giảm bớt áp lực cho hệ thống phúc lợi vốn đang bị thâm hụt nặng do số người già nhiều lên và tuổi thọ của người dân ngày càng tăng.
Tuổi thọ trung bình ở Pháp hiện đã xấp xỉ 80, nghĩa là một người về hưu lúc 60 tuổi sẽ có đến hai thập kỷ "nhàn rỗi". Đây là một gánh nặng đáng kể cho ngân sách, đặc biệt khi thế hệ "baby boom" (giai đoạn 1950-1970) sẽ về hưu đông đảo vào năm 2020. Trong 2 năm qua, ngân sách dành cho hưu trí của Pháp đã tăng gấp 3 lần (hơn 30 tỷ euro trong năm 2010) và có cơ lên tới 45 tỷ euro vào năm 2020 nếu không có biện pháp can thiệp. Nếu kế hoạch tăng tuổi hưu được thực thi thì trong 3 năm Pháp có thể tiết kiệm 100 tỷ euro.
Tuy nhiên, nếu dự luật được thông qua, nạn nhân đầu tiên sẽ là giới bình dân - những người vốn có cuộc sống bấp bênh nhất do trình độ học vấn thấp và phải đi làm sớm hoặc những người có tay nghề thấp. Họ rất dễ bị mất việc và hầu như không có hy vọng tìm được việc làm ở tuổi xế chiều. Gánh nặng của lương hưu nhiều khả năng sẽ do trợ cấp thất nghiệp lãnh phần. Như vậy chẳng khác nào "đánh bùn sang ao".
Một điểm gây tranh cãi khác là dự luật đã "phớt lờ" phương án tăng tỷ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí nhằm tránh trút gánh nặng lên giới công chức (3% thu nhập). Trong khi đó, những người giàu nhất chỉ phải đóng góp vào quỹ hưu bổng có 1%. Cụ thể hơn, lực lượng làm công ăn lương sẽ phải đóng góp tổng cộng 22 tỷ euro, trong khi phần thu trích từ các thu nhập tài chính, từ cổ tức và cổ phiếu ưu tiên chỉ có 3,7 tỷ euro.
Người lao động Pháp hoàn toàn có lý khi cho rằng, trong cuộc khủng hoảng kinh tế, chính phủ chỉ quan tâm đến những con số và lợi nhuận mà không quan tâm đến số phận của người lao động và trên thực tế, thực thi kế hoạch này chẳng khác gì Điện Élysee đang trút gánh nặng nợ quốc gia lên vai họ. Đành rằng tăng tuổi về hưu có thể giúp giảm gánh nặng ngân sách nhưng đó không phải là một chính sách vì con người. Quan trọng hơn, theo đa số người Pháp, cải cách chế độ hưu trí và phúc lợi xã hội là tấn công vào biểu tượng của Pháp, đất nước vẫn tự hào về hệ thống phúc lợi "hào phóng" nhất châu Âu.
Khi thắng cử với số phiếu áp đảo cách đây 3 năm, Tổng thống Sarkozy đã đưa ra những lời cam kết "có cánh", rằng thường dân Pháp sẽ trở nên giàu hơn, và đất nước Pháp sẽ có khả năng cạnh tranh mạnh hơn. Thế nhưng, giờ đây "tương lai màu hồng" đó chưa thấy đâu, chỉ thấy nhiều chỉ số kinh tế đang ở mức "báo động đỏ": thâm hụt ngân sách lên tới 7% tổng thu nhập quốc nội (GDP), tỷ lệ thất nghiệp trên 10% - mức cao nhất trong cả thập niên.
Trong bối cảnh tỷ lệ uy tín đang trên đà trượt dốc, thật có lý để nghi ngờ rằng dự luật cải cách chế độ hưu trí cũng giống như một lá bài đang được Tổng thống N.Sarkozy rút ra để thuyết phục giới đầu tư rằng, ông nghiêm túc trong giải quyết tình trạng nợ công chồng chất, qua đó "tích thêm điểm" để chiếm lợi thế trong cuộc đua giành nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo vào năm 2012.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.