Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kyrgyzstan chưa lặng sóng

Quỳnh Chi| 23/04/2010 06:23

(HNM) - Hai tuần sau khi Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan, do cựu Bộ trưởng Ngoại giao Roza Otunbayeva, Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội đứng đầu khẳng định đã làm chủ được toàn bộ đất nước, tình hình ở khu vực miền Nam và thủ đô Bishkek vẫn rất phức tạp.

Bất đồng giữa lực lượng ủng hộ Tổng thống vừa bị lật đổ Kurmanbek Bakiyev với phe thân chính phủ mới đang đẩy quốc gia Trung Á này đứng trước nguy cơ xung đột sắc tộc. Cùng với những khó khăn về kinh tế, tình trạng bạo động giữa các phe phái đang là thách thức lớn với chính quyền mới.

Với chưa đầy 100 triệu USD trong ngân sách quốc gia, có thể nói Kyrgyzstan gần như khánh kiệt khi bà Roza Otunbayeva tiếp quản vị trí đứng đầu đất nước. Sự kiệt quệ về kinh tế sẽ khiến việc điều hành của chính phủ mới gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc cải thiện đời sống nhân dân. Nếu tình hình kinh tế - xã hội không nhanh chóng được cải thiện, bất ổn về an ninh - chính trị sẽ tái diễn.

Trước tình hình đó, Bà R.Otunbayeva kêu gọi quốc tế viện trợ khẩn cấp để Kyrgyzstan có thể chi dùng cho các hoạt động thiết yếu trước mắt. Đáp lại lời kêu gọi này, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã ra lệnh viện trợ cho nước láng giềng 20 triệu USD và khoản tín dụng trị giá 30 triệu USD. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton cũng cho biết, EU sẵn sàng giúp đỡ Chính phủ lâm thời Kyrgyzstan về chính trị, tài chính, kỹ thuật... khi Kyrgyzstan khôi phục tính hợp pháp và dân chủ. Tức là ít nhất phải 6 tháng nữa, sau khi Kyrgyzstan tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn, quốc gia này mới có thể tiếp cận được sự hợp tác toàn diện của các quốc gia và tổ chức quốc tế.

Trong khi đó, dù đang lưu vong ở Belarus nhưng Tổng thống bị lật đổ K.Bakiyev vẫn được xem là đứng đằng sau các cuộc nổi loạn chống chính quyền lâm thời. Những người ủng hộ ông ở khu vực Jalal-Abad đang cố gắng thiết lập lại chính quyền cũ, đe dọa tới nỗ lực bình ổn của bộ máy lãnh đạo mới.

Một vấn đề khác mà chính quyền lâm thời phải đối mặt nhưng khó có thể khắc phục hoàn toàn là xung đột lợi ích giữa các sắc tộc tại miền Nam Kyrgyzstan. Các vụ tấn công bạo lực hiện nay đều liên quan tới yêu cầu đòi đất canh tác giữa các cộng đồng sắc tộc. Người Kyrgyz chiếm khoảng 70% trong số 5,3 triệu dân Kyrgyzstan, người Uzbek 14,5%, gốc Nga 8,4%, còn lại là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Kyrgyzstan là quốc gia nghèo, thiếu đất canh tác nghiêm trọng, có sự phân chia khu vực sâu sắc nhưng không có bất kỳ định chế mạnh nào phân xử. Nhất là sau "cuộc cách mạng hoa tulip" làm mất đi sự tôn nghiêm của luật pháp, giảm sự tôn trọng của dân chúng đối với chính quyền. Đây là nguyên nhân khiến tình hình khu vực này như "một thùng thuốc súng". Cuộc xung đột ở làng Mayevka ngoại ô thủ đô Bishkek, làm 5 người chết và hàng chục người bị thương hôm 20-4 là một ví dụ. Dù bà R.Otunbayeva đã kêu gọi người dân bình tĩnh, tránh những hành động khiêu khích, đồng thời, cảnh báo sẽ cho phép lực lượng cảnh sát áp dụng những biện pháp mạnh nhất để chống lại những kẻ gây bạo động. Tuy nhiên, không thể coi đây là biện pháp toàn diện để hòa hợp dân tộc tại Kyrgyzstan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kyrgyzstan chưa lặng sóng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.