Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng vào sự đổi mới

Võ Lâm| 26/09/2014 06:27

(HNM) - Sáng nay 26-9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII chính thức khai mạc.



Đây được coi là đại hội có tính chất bước ngoặt trong hoạt động của MTTQ Việt Nam với nhiệm vụ quan trọng là hiện thực hóa bằng các chương trình hành động Điều 9 Hiến pháp quy định vai trò, chức năng giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước của MTTQ Việt Nam.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (khoản 1, Điều 9). Đây là sự khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong đời sống chính trị, xã hội đất nước; là sự thừa nhận MTTQ Việt Nam là bộ phận không thể thiếu của hệ thống chính trị nước ta. Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII là đại hội đầu tiên thực hiện Hiến pháp mới. Trong đó, hai nội dung trọng tâm được dư luận nhắc tới nhiều nhất là thực hiện vai trò “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân” và “giám sát, phản biện xã hội”.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII Nguyễn Thiện Nhân cho biết, MTTQ Việt Nam sẽ thống nhất 5 chương trình hành động trong nhiệm kỳ tới. Một là, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Hai là, phát huy tinh thần sáng tạo, sự tự quản của nhân dân để thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước. Ba là, phát huy dân chủ, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh. Bốn là, mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và tăng cường hữu nghị hợp tác quốc tế. Năm là, hoàn thiện cơ chế hoạt động của MTTQ Việt Nam, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của MTTQ Việt Nam.

Có thể thấy, 5 chương trình hành động một mặt khẳng định sự kế thừa kinh nghiệm, truyền thống của MTTQ Việt Nam trong lịch sử đồng hành cùng Đảng và dân tộc suốt 84 năm qua. Mặt khác, biểu hiện quyết tâm đổi mới hoạt động của MTTQ các cấp, đáp ứng đòi hỏi cuộc sống trong tình hình mới. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII Vũ Trọng Kim, Đại hội sẽ xem xét, thảo luận về các chương trình hành động này. Nếu thống nhất được các chương trình hành động như dự kiến, trong nhiệm kỳ mới, hoạt động của MTTQ Việt Nam sẽ có những đổi mới mang tính bước ngoặt, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân.

Các chương trình hành động trên đây hoàn toàn có thể trở thành hiện thực, vì không đợi đến Đại hội này mà ngay từ khi Bộ Chính trị ban hành các Quyết định 217, 218 ban hành các quy chế về giám sát, phản biện và góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ Việt Nam đã chủ động triển khai thực hiện, bước đầu thu được kết quả tích cực. MTTQ Việt Nam đã kiến nghị và nhận được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với MTTQ Việt Nam tổng rà soát thực hiện chính sách người có công. Đây là một việc khó, trước đây chưa được thực hiện vì tính chất phức tạp và quy mô lớn của nó. MTTQ Việt Nam đã chủ trì, phối hợp cùng Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu thanh niên xung phong, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, Hội Nạn nhân chất độc da cam... để thực hiện nhiệm vụ trên. Công việc này hiện đang tiếp tục được thực hiện.

Những đổi mới trong hoạt động của MTTQ Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ, động viên của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức thành viên. Đặc biệt, MTTQ Việt Nam còn nhận được sự hợp tác, phản hồi tích cực từ phía các cơ quan của Chính phủ. Tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 2014, sau khi MTTQ Việt Nam báo cáo về dư luận nhân dân được hai tuần, 9 bộ, ngành đã có văn bản phản hồi về các nội dung liên quan. Các bộ, ngành này còn nêu rõ kế hoạch sẽ triển khai các biện pháp giải quyết, khắc phục các nội dung đã được đề cập. Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, sự phản hồi, chủ động hợp tác nói trên là động lực, tiền đề để MTTQ Việt Nam và các thành viên thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.

5 năm qua, MTTQ các cấp không ngừng phấn đấu nỗ lực, đã khẳng định rõ vị trí, vai trò của mình trong hệ thống chính trị. MTTQ các cấp thực sự là cầu nối giữa Ðảng, chính quyền và nhân dân. Với truyền thống 84 năm, với quyết tâm đổi mới hiện nay, MTTQ Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều đổi mới ấn tượng trong nhiệm kỳ tới, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, dân tộc.

Nhiều con số ấn tượng

Trong 5 năm (2009-2014), MTTQ các cấp đã tiến hành 131.438 cuộc giám sát, 205.809 cuộc thanh tra nhân dân. Qua đó, chính quyền cơ sở đã xử lý 86.865 vụ việc sai phạm, góp phần làm minh bạch công tác quản lý vốn, tài sản của Nhà nước và các công trình, dự án đầu tư của cộng đồng, phòng chống tiêu cực, thất thoát, lãng phí…

MTTQ các cấp đã vận động thực hiện các chương trình an sinh xã hội được trên 32.000 tỷ đồng; đồng thời chủ trì các hoạt động cứu trợ, trực tiếp vận động và phân bổ trên 665 tỷ đồng, tiếp nhận nhiều hàng hóa, hiện vật giúp cho đồng bào khó khăn. Từ khi phát động đến nay, "Quỹ Vì người nghèo" 4 cấp của MTTQ đã vận động được hơn 8.000 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa gần 1,4 triệu căn nhà cho hộ nghèo.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng vào sự đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.