(HNM) - Vậy là kỳ thi đại học năm 2013 đã kết thúc khá suôn sẻ, như nhận định của lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo là: Diễn ra trong
Nhìn chung, kỳ thi được dư luận đánh giá là nghiêm túc, an toàn, đặc biệt là có nhiều nét mới rất đáng hoan nghênh. Bên cạnh việc bổ sung đối tượng tuyển thẳng là những thí sinh đoạt giải tại các kỳ thi sáng tạo kỹ thuật, thi học sinh giỏi; xét tuyển đối với thí sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn; cho phép thí sinh mang theo thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi nhằm tạo thêm kênh giám sát cùng với thành lập các đoàn thanh tra lưu động, đột xuất tại các địa phương; thay đổi thứ tự môn thi…, sự đổi mới trong kỳ thi năm nay còn thể hiện ở đề thi tương đối rõ ràng, theo hướng mở gắn với thực tiễn, giảm phần học tủ, học vẹt…
Mặc dù vậy vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở. Trước hết, không chỉ kỳ thi này, mà công tác tuyển sinh đại học nói chung, nhất là hình thức "ba chung" trong nhiều năm qua dù đã có một số điều chỉnh thiết thực song vẫn tốn kém và gây căng thẳng cho toàn xã hội, tạo áp lực đáng kể lên hạ tầng đô thị, đặc biệt là đã tạo một tâm lý, sức ép nặng nề lên đông đảo thí sinh và cả phụ huynh. Hàng nghìn, thậm chí hàng vạn người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa phải bán cả tài sản, gà lợn, gom nhặt tiền bạc, dắt díu con cái đổ dồn về các thành phố lớn để tham dự kỳ thi - một sự kiện quan trọng, có tính quyết định đối với cuộc đời con em mình. Ánh mắt của những người cha, người mẹ đứng ngóng con ngoài cổng trường thi chứa chan hy vọng và niềm tin mạnh mẽ vào sự đổi thay số phận thông qua việc thi cử đỗ đạt… Những hình ảnh như thế đã trở nên quen thuộc trong đời sống xã hội. Bên cạnh những ấn tượng tốt đẹp của phong trào Tiếp sức mùa thi - đang ngày càng lan tỏa và tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân - vẫn còn không ít bức xúc về hiện tượng dịch vụ "chặt chém", phòng trọ tăng giá "chóng mặt", thậm chí có cả chuyện lừa đảo, trộm cắp tài sản của thí sinh ngoại tỉnh "lai kinh"… Những "chuyện nóng" mùa thi tràn ngập trên các trang báo mạng, như chuyện người bố đưa con đi thi bị mất sạch tiền bạc đến nỗi phải nhập viện tâm thần; mẹ con thí sinh lạc nhau; thí sinh gào khóc ngoài cổng trường thi chỉ vì đến chậm ít phút; đáng thương hơn cả là người mẹ ở huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) trên đường chở con đi thi đại học về bị tàu hỏa cán chết, người con cũng bị thương nặng… Những câu chuyện như thế sẽ còn ám ảnh rất lâu.
Những vấn đề tồn đọng của kỳ thi đại học "ba chung" từ lâu đã được bàn luận nhiều trong các hội nghị, hội thảo; báo chí truyền thông cũng "mổ xẻ" năm này qua năm khác, thế nhưng kỳ thi ấy vẫn cứ tồn tại, vẫn gây tốn kém, mệt mỏi cho cả xã hội chứ không riêng gì các sĩ tử và gia đình. Bởi thế, bên cạnh niềm vui về kỳ thi năm nay diễn ra nghiêm túc, an toàn và có những nét mới tích cực, dư luận và đông đảo người dân cũng mong muốn, kỳ vọng vào sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác thi, tuyển sinh những năm sau. Và không chỉ đổi mới công tác tuyển sinh, dư luận còn mong muốn, kỳ vọng vào sự đổi mới toàn diện của ngành giáo dục - đào tạo, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vẫn biết đó không phải là chuyện "ngày một, ngày hai", đòi hỏi phải có lộ trình và được nghiên cứu, xem xét thấu đáo, thế nhưng thà muộn còn hơn không. Có như vậy thi cử mới không còn là gánh nặng của người dân và toàn xã hội, và nhân lực Việt Nam không còn bị tụt hậu so với các nước Singapore, Hàn Quốc cách đây 20 năm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.