(HNMCT) - Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020 - 2025) vừa diễn ra trong không khí tưng bừng và có sự đồng thuận, nhất trí cao. Mỗi một kỳ đại hội đều để lại dư âm và suy nghĩ cho mỗi hội viên, nhưng trên hết là sự kỳ vọng của các hội viên về một Ban Chấp hành (BCH) mới xứng tầm, trách nhiệm, đủ sức nâng cao vị thế của nền văn chương nước nhà.
“Tác phẩm hay là tác phẩm... chưa viết!”
Hội Nhà văn Việt Nam có nét đặc thù có số lượng hội viên đông, số lượng sách xuất bản hằng năm đều lên đến con số hàng nghìn. Song, có một nghịch lý là số tác phẩm được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, để lại dấu ấn sâu đậm, dài lâu thì lại không nhiều. Ngay cả một số tác phẩm văn chương được trao giải thưởng cũng chưa hẳn đã đại diện xứng đáng cho tiếng nói thời cuộc, giải thưởng được trao có khi mang tính chất “so bó đũa chọn cột cờ”, như nhiều nhà phê bình vẫn nói vui rằng, tác phẩm hay là tác phẩm... chưa viết!
Với một đất nước có gần trăm triệu dân nhưng mỗi đầu sách xuất bản chỉ in trung bình một nghìn, hai nghìn cuốn, thơ in ra chủ yếu để tặng, cho thì đó là điều rất đáng phải suy nghĩ. Đa số nhà văn không sống được bằng nhuận bút văn chương, do nhiều nguyên nhân nhưng không thể nói rằng trong đó không có nguyên nhân từ năng lực sáng tạo của đội ngũ tác giả còn có sự hạn chế.
Sách viết về vấn đề đương đại, viết cho thiếu nhi, viết cho tuổi mới lớn hay viết về thực trạng của các vùng quê đang đổi mới đi lên... chưa phản ảnh đúng, đủ, kịp thời xu thế phát triển của xã hội và chưa bắt đúng nhịp đời sống của nhân dân, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bạn đọc. Bởi thế, xét từ một góc độ nào đó, việc có nhiều tác phẩm được trao giải dường như chỉ có ý nghĩa nhất định với Hội đồng Giám khảo, với cá nhân tác giả và thiểu số những người quan tâm chứ chưa thực sự tạo được tác động tích cực đến xã hội, chưa nói được tiếng nói của xã hội và chưa đọng lại lâu bền trong lòng độc giả.
Trong lời phát biểu tổng kết nhiệm kỳ qua, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX, cho biết: “Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Hội đã có nhiều hoạt động đáng kể để đưa nền văn học Việt Nam tiếp tục phát triển, từng bước năng động hơn, thích ứng với yêu cầu mới của đời sống”.
Song, ông cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, mặc dù có nhiều đổi mới về tư duy văn học, về đề tài, chủ đề và phương pháp sáng tác, nhưng cho đến nay văn học vẫn chưa xây dựng được những hình tượng nghệ thuật thật tiêu biểu, có sức khái quát cao về hai cuộc chiến tranh vĩ đại, còn ít tác phẩm viết về công cuộc Đổi mới đủ sức trở thành hiện tượng văn học. Tính chuyên nghiệp chưa cao. Việc tiếp thu các trào lưu nghệ thuật của nước ngoài được mở rộng nhưng chưa có sự chọn lọc, nghiền ngẫm sâu sắc. Trong lý luận phê bình văn học còn biểu hiện gò bó, máy móc khi vận dụng các quan điểm nghệ thuật của nước ngoài vào thực tiễn đời sống văn học trong nước.
Thách thức thực sự thuộc về mỗi nhà văn
Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh cho rằng, “sự hưng thịnh của nền văn học nằm ở chính sách tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ, huy động được nguồn lực nhà văn có khả năng”. Nguyễn Trãi từng viết trong Bình Ngô Đại Cáo: “Tuy mạnh yếu khác nhau nhưng hào kiệt đời nào cũng có”. Cái khó, cái giỏi của người lãnh đạo là làm sao tập hợp được đội ngũ, quy tụ được anh tài.
“Tôi hy vọng rằng với sự lãnh đạo của BCH mới gồm những nhà văn, nhà thơ có chuyên môn và khả năng tổ chức tốt sẽ tạo ra sức thu hút với đông đảo văn tài trong và ngoài nước, sẽ thúc đẩy tính chuyên nghiệp, tạo nên biến chuyển mang tính đột phá, mang tới bước phát triển quan trọng cho nền văn chương nước nhà. Nếu lãnh đạo lựa chọn được các thành viên Ban Giám khảo tốt thì chắc chắn Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam sẽ có chất lượng và tiếng vang lớn, từ đó thu hút được độc giả, tìm kiếm được các cây bút tài năng mới... Hội Nhà văn Việt Nam hãy tăng cường công tác xã hội hóa, thu hút các nhóm văn chương có chất lượng trong xã hội và mở rộng mô hình các trung tâm tự quản trực thuộc Hội để huy động được sức dân theo đúng tinh thần ngôi nhà chung của lực lượng sáng tạo văn học” - nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh bày tỏ.
Với tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định, BCH khóa mới sẽ “nỗ lực mang lại nguồn năng lượng mới, những cảm hứng mới trong từng công việc của Hội. Lắng nghe và tôn trọng các hội viên cũng như sẽ đốt đuốc soi đường tìm những tác phẩm văn chương đích thực để có thể trao giải và đưa đến với công chúng”. Thậm chí, hằng năm, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ có giải thưởng đặc biệt dành cho người có công phát hiện tác phẩm văn chương có giá trị trong đông đảo người viết. Điều này sẽ khích lệ các tác giả đọc của nhau và chủ động tìm tòi cái mới trong sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X cam kết đồng hành cùng các hội viên đi tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao để không chỉ gắn kết tình cảm giữa Ban chấp hành và các hội viên, mà quan trọng hơn là khích lệ tinh thần sáng tạo để tạo ra những đổi thay từ mạch nguồn, đem lại giá trị văn chương bền vững.
Đến từ mảnh đất Cao Bằng, nhà thơ Trần Hùng, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, tâm sự: “Các tỉnh miền núi phía Bắc có những giá trị văn hóa rất riêng. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp tổ chức cuộc thi sáng tác văn học với mong muốn tạo được bầu không khí mới mẻ cho văn chương các tỉnh miền núi phía Bắc. Đặc biệt, trong cuộc thi này, chúng tôi dành riêng một số giải thưởng cho tác giả trẻ, trong đó có cả tác giả thuộc lứa tuổi trung học phổ thông để góp phần tạo nên sự hứng khởi và truyền cảm hứng văn chương cho các tài năng văn học trẻ. Chúng tôi dự kiến sẽ đề nghị BCH Hội cho tổ chức một hội nghị viết văn dành riêng cho các cây bút trẻ khu vực miền núi phía Bắc để khuấy động tinh thần, lắng nghe và hỗ trợ họ, đứng phía sau hậu thuẫn để các tác giả trẻ có những tác phẩm văn học mang hơi thở của con người và địa linh vùng cao”.
So với các năm trước, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X được đánh giá là diễn ra êm ả và có tính thống nhất cao, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có quyền hy vọng nền văn học Việt Nam sẽ có thêm những tác phẩm xứng tầm thời đại. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định:
“Thách thức với BCH Hội Nhà văn khóa X là vô cùng to lớn, nhưng thách thức thực sự lại thuộc về mỗi nhà văn Việt Nam, những người ngồi trong căn phòng nhỏ bé của mình trước trang giấy mênh mông vô tận và phải trả lời biết bao câu hỏi của chính bản thân mình, thân phận quanh mình và dân tộc trong thời đại đầy biến động”.
Nhà văn Hoài Hương:
Hội viên Hội Nhà văn thì không thể ngừng viết
Có một tình trạng vẫn diễn ra hằng năm là số lượng người xin vào Hội Nhà văn nhiều, nhưng dường như chỉ vào rồi... thôi. Có những người chỉ cố cho đủ số lượng tác phẩm để được kết nạp vào Hội. Lại có những tác giả nhiều năm không có tác phẩm mới, dường như không còn sức sáng tạo hoặc không vượt qua được cái bóng của chính mình. Tôi nghĩ, có lẽ cần phải xây dựng một quy chế, quy định nào đó để khích lệ, động viên, đồng thời cũng là yêu cầu nhà văn, nhà thơ phải có trách nhiệm tiếp tục nghĩ và viết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.