(HNM) - Được đầu tư mạnh mẽ từ trung ương cùng quyết tâm của các đơn vị thi công và sự phối hợp hiệu quả của các địa phương, nhiều công trình hạ tầng quan trọng đã, đang hiện hữu tại khu vực phía Nam. Tiêu biểu trong số đó là siêu cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé và “siêu” sân bay Long Thành. Đây là những công trình được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng Nam Bộ.
Công trình thủy lợi kỳ vĩ
Giữa tháng 6-2021, cửa van cuối cùng của cống thủy lợi lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long là cống Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang) đã được lắp đặt thành công. Như vậy, cả 11 cửa van, mỗi cửa van có chiều dài 40m, cao 9m và nặng khoảng 203 tấn của siêu công trình thủy lợi đã sẵn sàng vận hành đồng bộ từ tháng 10-2021. Trước đó, cống Cái Bé đã vận hành từ đầu tháng 2-2021, nhanh hơn 6 tháng theo tiến độ hợp đồng, kịp thời phòng chống hạn mặn mùa khô năm nay. Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết: “Cống Cái Bé vận hành đã góp phần kiểm soát mặn cho khoảng 20.000ha đất lúa, cây ăn trái của các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp, trữ nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô. Cống còn giúp giảm chi phí xây dựng khoảng 120 đập tạm sau cống với khoản kinh phí khoảng 12 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho giao thông thủy”.
Công trình cống Cái Lớn - Cái Bé kết hợp với hệ thống đê biển Tây sẽ góp phần chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chống thiên tai, giảm ngập úng; giúp kiểm soát nguồn nước, điều tiết ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ sản xuất bền vững cho một vùng rộng hơn 384.000ha tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu… Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay: Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có tổng vốn đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng, khởi công từ tháng 10-2019. Trong đó, cống Cái Lớn và Cái Bé là hạng mục lớn nhất và quan trọng nhất, dự kiến hoàn thành trong thời gian 36-40 tháng xây dựng. Tuy nhiên, với nỗ lực rất lớn của các bên, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, biến động giá cả nguyên vật liệu xây dựng… đại công trình thủy lợi này hoàn thiện, vận hành chỉ sau 2 năm xây dựng.
Là người mong ngóng từng ngày chờ siêu công trình đi vào hoạt động, ông Trương Kiến Quốc (ngụ tại xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) chia sẻ: “Cống giúp điều tiết nước tại các vùng canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tôi tin hiệu quả sẽ rất lớn”. Còn ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, phấn khởi nói: “Cống Cái Lớn, Cái Bé sẽ giúp ngăn mặn từ biển Tây, giữ nước ngọt trong nội địa. Tỉnh sẽ tăng được diện tích sản xuất lúa, tôm ngay trong mùa khô”.
Chờ đón siêu sân bay
Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Theo quy hoạch, Dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 4,66 tỷ USD, quy mô 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với nhiều hạng mục phụ trợ đồng bộ; công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Đây sẽ là một trong 16 sân bay lớn nhất thế giới. Trong giai đoạn 1 sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - Chủ đầu tư) Đỗ Tất Bình thông tin, ACV đang thực hiện các dự án thành phần 3 và đã hoàn thành rà phá bom mìn hơn 55% diện tích đất được bàn giao của dự án (tương ứng 715ha); thi công xong 8,6km tường rào bao quanh dự án trong tháng 9-2021; thi công san lấp mặt bằng trong tháng 10-2021; hoàn thành công tác rà phá bom mìn trong tháng 12-2021. “Bộ Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo ACV hoàn thành toàn bộ phần xây dựng trước ngày 31-3-2025, bảo đảm đưa vào khai thác chính thức giai đoạn 1 trong quý IV-2025”, ông Đỗ Tất Bình nói.
Để phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị thi công, tỉnh Đồng Nai đã khẩn trương thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư phần diện tích 5.000ha. Cùng với đó, tỉnh đẩy nhanh việc xây dựng các khu tái định cư để phục vụ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ bồi thường cho hơn 5.500 hộ gia đình, cá nhân trong vùng dự án. Tính đến tháng 8-2021, tỉnh đã hoàn thành phương án bồi thường, hỗ trợ cho khoảng 4.500 hộ. Ông Võ Minh Sơn (ngụ tại ấp Suối Trầu 1, xã Bình Sơn, huyện Long Thành) chia sẻ: “Gia đình tôi trong diện giải tỏa và đã được đền bù. Tôi mong công trình sân bay sớm hoàn thành để góp phần phát triển kinh tế địa phương”.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, với việc sân bay Long Thành trở thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ khu vực, sẽ giúp dần hình thành một thành phố sân bay, tạo động lực phát triển cho khu vực Nam Bộ và cả nước. “Tỉnh Đồng Nai sẽ chủ động phối hợp với các cấp, ngành bảo đảm tiến độ của “siêu” dự án này, vượt khó khăn do dịch bệnh, sớm đưa công trình vào hoạt động và phát huy hiệu quả theo kế hoạch”, ông Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Năm 2021, khu vực phía Nam được đầu tư xây dựng 8 công trình lớn, đó là: Dự án hàng không Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1; dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (thuộc dự án Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh); tuyến nối quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang); quốc lộ 1A đoạn từ Hậu Giang đến Sóc Trăng; tuyến tránh quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau); nâng cấp luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2) và nâng cấp kênh Chợ Gạo nối thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2). Những dự án trên được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá, thực sự là động lực lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của vùng cũng như của quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.