(HNM) - Giữa lúc bán đảo Triều Tiên cũng như quan hệ liên Triều không ngừng bị
Hàn Quốc hy vọng cải tổ nội các sẽ giúp nền kinh tế nước này sớm lấy lại đà tăng trưởng. |
Tuyên bố bất ngờ của Ngoại trưởng Yu Myung-hwan được đưa ra trong bối cảnh nội các của Tổng thống Lee Myung-bak đối mặt với nhiều thách thức sau khi Thủ tướng Kim Tae-ho tuyên bố từ chức trước đó không lâu, sau chưa đầy 3 tuần được bổ nhiệm (từ ngày 8-8). Với một loạt cáo buộc như báo cáo sai mức thu nhập, sử dụng trái phép các khoản vay ngân hàng cho các chiến dịch vận động tranh cử, nhận hối lộ của cựu Chủ tịch Tổ hợp công nghiệp sản xuất giày Park Yeon-cha từ khi giữ chức Tỉnh trưởng tỉnh Gyeongsang Nam, dường như Thủ tướng trẻ nhất ở Hàn Quốc trong vòng 40 năm qua này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận từ chức trước sức ép ngày một lớn của dư luận.
Cuộc "dứt áo ra đi" quá chóng vánh của Thủ tướng Kim Tae-ho, khi Quốc hội chưa thông qua việc bổ nhiệm ông do những bất đồng của đảng Đại dân tộc (GNP) cầm quyền và các đảng đối lập - cùng với Ngoại trưởng Yu Myung-hwan và hai Bộ trưởng Văn hóa và Kinh tế trước đó - không chỉ để lại khoảng trống quyền lực trong nội các của Chính phủ Hàn Quốc mà còn ảnh hưởng đến uy tín của GNP cầm quyền trong bối cảnh hiện nay.
Việc thay thế hoặc bổ nhiệm các thành viên nội các quan trọng không còn mới lạ trên chính trường Hàn Quốc thời gian qua, đặc biệt dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak. Trong khi cựu Thủ tướng Han Duk-soo - Thủ tướng đầu tiên dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak - "ra đi" vì được bổ nhiệm làm Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ trong nỗ lực cải tổ nội các của Chính phủ - người kế nhiệm Chung Un-chan cũng đã phải từ chức cuối tháng 7 vừa qua sau 10 tháng tại nhiệm đầy sóng gió vì không thuyết phục được Quốc hội thông qua dự luật xây dựng thành phố Sejong sửa đổi - như một cuộc dời đô từ Seoul về Sejong - trị giá nhiều tỷ USD do ông chỉ đạo biên soạn. Cho dù mỗi cuộc ra đi đều có lý do riêng, song chỉ chưa đầy hai năm rưỡi nhiệm kỳ đầu tiên mà có tới ba thủ tướng liên tiếp cùng một loạt bộ trưởng phải "đứt gánh giữa đường" là điều khiến dư luận Hàn Quốc và khu vực quan tâm.
Những gì diễn ra trên chính trường Hàn Quốc cho thấy, Tổng thống Lee Myung-bak đang nỗ lực sử dụng cải tổ nội các như một công cụ quan trọng để vực dậy nền kinh tế xứ kim chi vốn quá phụ thuộc vào xuất khẩu hiện nay. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi nền kinh tế Hàn Quốc bắt đầu khởi sắc sau thời gian dài chìm trong suy thoái do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vì thế, sự kiện hai Thủ tướng liên tiếp cùng một loạt bộ trưởng phải từ chức trong thời gian qua là điều không quá bất ngờ. Ngược lại, đây còn được xem như một tín hiệu tích cực giúp Chính phủ nêu gương thực hiện chiến dịch "xã hội công bằng" - một mục tiêu mà Tổng thống Lee Myung-bak theo đuổi kể từ khi nhậm chức từ đầu năm 2008.
Cải tổ nội các để vực dậy nền kinh tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Lee Myung-bak trong bối cảnh hiện nay, bởi thế mới đây ông đã quyết định bổ nhiệm 7 trong tổng số 15 thành viên mới trong nội các. Trong đó có Giám đốc Cơ quan Cảnh sát quốc gia và Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quốc gia. Với độ tuổi trung bình từ 50 đến 60, có kinh nghiệm và chuyên môn sâu, Tổng thống Lee Myung-bak kỳ vọng các thành viên nội các mới sẽ góp phần tạo ra một đổi thay bước ngoặt trên chính trường Hàn Quốc khi nhiệm kỳ 5 năm của ông sẽ kết thúc vào đầu năm 2013.
Sự kiện Thủ tướng Kim Tae-ho cùng Ngoại trưởng Yu Myung-hwan sẵn sàng chấp nhận từ chức, thừa nhận trách nhiệm để giữ lời hứa trước công luận Hàn Quốc một lần nữa minh chứng rằng, niềm tin của người dân vào các nhà lãnh đạo chính phủ luôn là chìa khóa thành công ở bất kỳ quốc gia nào. Song không phải nhà lãnh đạo nào cũng dám nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận hy sinh lợi riêng vì mục đích chung là sự phát triển của đất nước. Hy vọng rằng những cải tổ nội các như trên sẽ giúp nền kinh tế "Kỳ tích sông Hàn" sớm lấy lại đà tăng trưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.