(HNM) - Thống kê mới nhất của Tổ Điều hành thị trường trong nước cho thấy, giá thực phẩm, một trong những mặt hàng thiết yếu quan trọng, đã giảm từ 3% đến 10% trong tháng 8.
Rau tươi, một trong những mặt hàng có giá bán giảm đáng kể trong thời gian qua.
Ảnh: Bá Hoạt
Hàng thiết yếu đồng loạt giảm giá
Lần đầu tiên trong 8 tháng qua, CPI đã "hạ nhiệt", trong tháng 8 chỉ tăng 0,93%. Theo các chuyên gia kinh tế, CPI tháng 8 giảm mạnh là do Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời các bộ, ngành liên quan bảo đảm nguồn cung thực phẩm và hạn chế tình trạng tăng giá dịp cuối năm. Với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đã giảm rõ rệt, tác động tích cực tới CPI.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), sau 2 tháng tăng giá liên tiếp, giá thực phẩm tươi sống (thịt lợn và thịt gà) đã giảm từ 3% đến 10% so với cuối tháng 7. Nguyên nhân là do hoạt động chăn nuôi đang dần đi vào ổn định, lượng thịt nhập khẩu về cũng nhiều hơn khiến nguồn cung thực phẩm khá dồi dào. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 8 tháng vừa qua, lượng thịt các loại nhập khẩu về Việt Nam khoảng 64.546 tấn, tăng 276,25% so với lượng thịt lợn đã nhập khẩu trong cả năm 2010. Giá bán lẻ rau, củ, quả như cà chua, bắp cải, khoai tây… cũng giảm đáng kể so với tháng trước. Cụ thể, bắp cải giảm còn 4.000 đến 6.000 đồng/kg, cải ngọt 5.000 đồng/kg, cà chua 7.000 đồng/kg, rau muống 3.000 đến 4.000 đồng/mớ. Nhiều loại rau gia vị như mùi, thơm, húng… giảm giá 50% so với trước.
Bên cạnh nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhiều DN tích cực tham gia chương trình giảm giá, khuyến mãi và bình ổn giá. Nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt, trứng gia cầm… đã giảm giá từ 5-10% thông qua chương trình giảm giá của DN. Trong bối cảnh giá thực phẩm dần ổn định, liên bộ Tài chính - Công thương đã quyết định giảm giá bán lẻ xăng dầu từ ngày 26-8. Tuy mức giảm 500 đồng/lít xăng không được như kỳ vọng của người tiêu dùng, song sẽ tác động tích cực đến giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ do phí vận tải điều chỉnh giảm. Đặc biệt, trong cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ linh hoạt hơn trong việc cung ứng vốn ra thị trường, không cứng nhắc áp dụng các tỷ lệ an toàn sử dụng vốn của ngân hàng thương mại. Ngay sau chủ trương này, lãnh đạo nhiều ngân hàng khẳng định, trong tháng 9, sẽ hạ lãi suất cho vay xuống còn 17-19% và ưu tiên phục vụ khối DN sản xuất.
Giải quyết nguyên nhân gây tăng giá
Những tín hiệu tích cực nêu trên cho thấy, có nhiều cơ sở để kỳ vọng CPI những tháng cuối năm sẽ "hạ nhiệt". Tuy nhiên, để giải quyết nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, chính sách tiền tệ thắt chặt thời gian qua đã khiến tăng trưởng tín dụng 7 tháng vừa qua chỉ đạt 7,23%. Nếu từ nay đến cuối năm, các ngân hàng đồng loạt cung tiền ra thị trường cho đủ chỉ tiêu đã đặt ra (tăng trưởng tín dụng 20% và tổng phương tiện thanh toán 16%) thì lạm phát sẽ tăng cao. Song nếu e ngại lạm phát cao mà thắt chặt nguồn vốn, nhiều DN sẽ rơi vào tình trạng đình đốn sản xuất, thậm chí phá sản. Vì vậy, việc đáp ứng nguồn vốn cho DN vẫn phải làm, nhưng cần phải tính toán kỹ lưỡng, nhằm cấp vốn kịp thời, đúng địa chỉ cho những đối tượng thực sự có nhu cầu…
Bên cạnh việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, các chuyên gia cũng khuyến cáo ngành chức năng cần tập trung giải quyết tận gốc nguyên nhân gây tăng giá. Với những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm... cần có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm bảo đảm nguồn cung, giải quyết dứt điểm nạn đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Những biện pháp cứng rắn nhằm giữ ổn định giá vàng và ngoại tệ cũng cần được thực hiện quyết liệt để giải tỏa tâm lý "sợ" đồng tiền mất giá của người dân và DN.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã khẳng định, trong 4 tháng cuối năm sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá tại các tỉnh, TP trọng điểm, đặc biệt là vào dịp lễ, tết. Với sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, giá cả thị trường những tháng cuối năm dự kiến sẽ được giữ ổn định, từ đó tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến CPI và sự ổn định chung của nền kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.