Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ký ức về Hà Nội của một nhà báo - chiến sĩ…

Mai Thế Chính| 25/10/2015 05:55

(HNM) - Gần một năm sau ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954, tôi vừa đi học vừa bán báo để tự kiếm sống. Vì yêu thích môn văn ở trường học, lại vì khi bán báo, đưa báo trên đường phố, đọc nhiều thành ham, dần dần tôi cũng muốn viết báo.

Hồi đó, mỗi tờ báo hằng ngày giá 100 đồng thì chúng tôi chỉ phải trả tòa báo 70 đồng, còn được lãi 30 đồng. Thêm nữa, báo bán không hết, buổi chiều được trả lại trị sự, trả ít thì cuối tháng có thêm chút tiền thưởng. Bán đủ các loại báo: Nhân Dân, Thời mới, Quân đội nhân dân, Cứu quốc, Độc lập…, cả các loại báo như Nhân văn, Giai phẩm mùa xuân, Giai phẩm mùa thu… Tôi còn nhớ, khi báo Nhân văn ra đến số thứ 5 thì một buổi chiều, tại trụ sở phát hành báo Nhân Dân (trên đường Hai Bà Trưng, gần Trung tâm thương mại Tràng Tiền bây giờ), anh Sinh - người phụ trách phát hành báo - họp cánh bán báo lại và chúng tôi nhất trí không ai đi bán báo Nhân văn nữa. Cũng dịp đó, chúng tôi biết các chú, các anh công nhân bên Nhà in Minh Đức đã quyết nghị không in báo Nhân văn. Tuy chỉ là một học sinh đi bán báo, nhưng không khí đấu tranh trong văn nghệ lúc bấy giờ đã cho tôi hiểu người viết báo, viết văn phải có lập trường, quan điểm vững vàng để những gì mình viết ra thực sự có ích, phục vụ được nhân dân và Tổ quốc.

Báo Hànộimới, nơi gắn bó nhiều thế hệ nhà báo của Thủ đô và cả nước. Ảnh tư liệu


Rồi ngày 10-10-1958, tôi cùng hơn 300 anh em học sinh tốt nghiệp cấp 3 của Hà Nội nhập ngũ. Những nếm trải trong cuộc đời chiến sĩ mở ra chân trời mới, cho tôi nhiều vốn sống. Tôi thèm được viết báo, viết văn. Nhưng điều tôi khát khao hơn tất cả là nguyện vọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Kỷ niệm 10 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/1964), tôi là một sĩ quan công binh trẻ trung, sức vóc, bước vào năm tháng đầu tiên của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ. Những hy sinh lớn lao của đồng đội, của nhân dân càng thúc giục tôi - một đảng viên trẻ, hăng say trong nhiệm vụ mở đường, bắc cầu, huấn luyện phá, gỡ bom mìn… Đã có đôi phen chạm mặt với cái chết. Cũng có đêm nằm thao thức, muốn "tự khai trừ" mình vì nghĩ lại lúc buổi trưa hôm đó đã do dự trước chùm bom nổ. Tôi thành thực báo cáo với bí thư chi bộ. Anh cười độ lượng, nhắc lại đại ý lời của ai đó, mãi đến nay tôi còn nhớ: "Người dũng cảm chỉ chết một lần, kẻ hèn nhát mới phải chết nhiều lần …". Ngoài nhiệm vụ chính, tôi thấy phải ghi chép, viết lại dù chỉ một cái tin, cái gương người tốt việc tốt hay mẩu chuyện về cuộc chiến đấu hào hùng này.

Tháng 7-1966, từ một đơn vị sẵn sàng chiến đấu, tôi được điều về làm trợ lý tuyên huấn binh chủng, nhận nhiệm vụ phụ trách Tờ tin, sau thành báo Công binh. Từ những sân bay, bến phà, cung đường máy bay giặc Mỹ đánh phá ác liệt, tôi có tin, có bài gửi về "báo nhà", gửi cả tới các Báo Quân đội nhân dân, Văn học, Văn nghệ Quân đội… Trong thời gian này, có lần tôi được Ban Biên tập Báo Hànộimới mời tới bàn về đẩy mạnh tuyên truyền nhiệm vụ quốc phòng, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Chỉ chừng hơn chục người ở các quân chủng, binh chủng được lựa chọn dự họp. Ban Biên tập trân trọng mời chúng tôi cộng tác, cung cấp tài liệu, bài vở cho báo. Thật xúc động khi bước vào phòng họp trang trọng trên tầng hai tòa nhà 44 phố Lê Thái Tổ. Cách tòa nhà này một quãng về phía tay phải là số nhà 38 phố Bà Triệu - tòa soạn và trị sự Báo Thời mới trước kia, từ ngày 25-1-1968 đã sáp nhập với tờ Thủ đô Hà Nội, được Bác Hồ đặt tên là Báo Hànộimới. Tôi chợt nghĩ: Chỉ một đoạn đường ngắn, chưa đến mười năm sau, từ một chú bé sớm sớm vội vã xếp hàng đợi lấy báo đi bán, chiều tối quay lại nơm nớp sợ bị mắng vì trả nhiều báo ế thừa, tôi đã trở thành một sĩ quan quân đội làm công tác báo chí. Nếu không có quân đội, không có Đảng, cuộc đời tôi làm sao có được sự thay đổi ấy!

Sau này, Binh chủng Công binh có các đơn vị lớn đi vào chiến trường miền Nam, tôi lại thường được cấp trên cử theo bám sát. Mà công binh thường "đi trước, về sau". Do đó, khi ta nổ súng đánh Huội San, Làng Vây cuối tháng 1 đầu tháng 2-1968, rồi Khe Sanh…, thì từ mấy tháng trước đó, chúng tôi đã có mặt trên đất bạn Lào để mở đường về hướng Đông. Chuẩn bị cho chiến dịch Nam Lào 1971, chiến dịch Quảng Trị 1972 thì từ năm 1969, 1970, tôi đã được theo Trung đoàn Công binh 7 (hai lần được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân), Trung đoàn Công binh 83 (Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) mở đường B70 vùng A Sầu, A Lưới, qua sông Đakrông vào Thừa Thiên Huế… Có lần vừa ở chiến trường Trị Thiên ra, tôi được mời đến Báo Nhân Dân kể chuyện chiến đấu của đồng chí, đồng đội. Các đồng chí trong Bộ Biên tập báo Đảng khuyến khích tôi viết kỹ những gương chiến đấu của Nguyễn Văn Tố, Bùi Ngọc Dương…, các "Dũng sĩ mở đường, Anh hùng xung kích" trên mặt trận Làng Vây - Khe Sanh 1968. Sau này, tôi còn được dịp viết về chiến công của đồng đội trong các chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971, Quảng Trị 1972, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975…

Nhớ kỷ niệm chuyến đi Trị Thiên - Huế tháng 5-1970 vào Trung đoàn Công binh 7. Tôi phụ trách nhóm 5 anh em làm công tác tuyên truyền của Binh chủng. Có Đình Tuất (sau này chuyển ngành làm Trưởng Đài truyền thanh thị xã Sầm Sơn - Thanh Hóa), Thành Chương (sau là họa sĩ Báo Văn Nghệ, được nhiều người biết tới vì tài vẽ, vì có Việt phủ Thành Chương ở Sóc Sơn - Hà Nội), Phạm Minh Lợi (sau là Đại tá, nguyên Phó Giám đốc Điện ảnh Quân đội) và Duy Thủy (Đại tá, nguyên Phó phòng Thông tấn Báo chí - Cục Tuyên huấn). Trên đường đến các đơn vị, chúng tôi đã phải đi qua nhiều vùng máy bay địch đánh phá, rải chất độc hóa học; chịu những trận bom B52, "thằng" máy bay C130 "xin thùng", rồi trực thăng OV10, L19 vè vè trên đầu thả truyền đơn, gọi loa "chiêu hồi". Tôi nhớ lần đi qua điểm cao 500 (sau này, trong chiến dịch Nam Lào tháng 3-1971, là nơi tiêu diệt nhiều quân địch), tôi mệt quá, không sao bước nổi. Mặc kệ máy bay bắn gần bắn xa, tôi nằm vật bên vệ đường mòn. Lúc ấy, Duy Thủy đến gần tôi, lẳng lặng chìa ra mấy sợi sâm nam, đưa tôi ngậm. Lát sau, anh em lại cùng xốc ba lô, kiểm đủ "súng, bao gạo, bi đông, ni lông, túi dết" lên đường. Hồi ấy tôi là trung úy, đã có vợ, con trai hơn 1 tuổi ở Hà Nội. Anh em trong nhóm đều hạ sĩ, trung sĩ, chưa ai lập gia đình. Mãi mấy tháng sau hành quân trở ra, đến dốc Dân Chủ địa đầu miền Bắc, Duy Thủy mới bảo: "Những lúc nguy hiểm, em nghĩ mình có chết cũng được. Em chỉ sợ chuyến đi này anh bị làm sao thì về không biết nói với chị và cháu thế nào". Quả thực, tình đồng chí, đồng đội, cả đồng nghiệp đã gắn bó chúng tôi, động viên chúng tôi rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ.

Tháng 11-1979, tôi được điều động về Tổng cục Chính trị. Tiếp đó là chặng đường gần 9 năm làm phóng viên, biên tập viên Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, hơn 5 năm phụ trách Phòng Thông tấn - Báo chí, rồi được phân công phụ trách cả mảng Thông tấn, Phát thanh, Truyền hình Quân đội nhân dân… trong đội hình Cục Tuyên huấn.

Tôi đã nhận sổ hưu tháng 5-2003.

Từ đầu năm 2004, khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thành lập, tôi được cử làm Trưởng ban Tuyên truyền trung ương Hội. Lại tiếp tục lập kế hoạch, tổ chức các đợt, vệt tuyên truyền, vận động; lại lập website, viết bài đăng báo, viết báo cáo, diễn văn, đi nói chuyện… để góp phần "Xoa dịu nỗi đau da cam", đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân, đòi phía Mỹ phải có trách nhiệm trước hậu quả nặng nề mà họ đã gây ra trên đất nước ta. Sau hai nhiệm kỳ làm việc ở Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đầu năm 2014, khi đã 75 tuổi, tôi mới thực sự nghỉ hưu.

Đã mấy lần kỷ niệm năm chẵn ngày Giải phóng Thủ đô 10-10. Hai mươi, ba mươi, bốn mươi, rồi năm mươi, sáu mươi năm. Lớp chiến sĩ đầu tiên của Hà Nội sau ngày giải phóng, nay đã mắt mờ, chân chậm, nhưng nhiệt huyết với việc xây dựng và phát triển của Thủ đô vẫn tràn đầy. Nhiều người trong số chúng tôi đã vinh dự được nhận huy hiệu 40, 50, 55 năm tuổi Đảng. Bây giờ, mỗi khi dạo quanh Hồ Gươm, dưới ánh đèn rực rỡ, lung linh, càng lung linh, rực rỡ những dịp lễ, tết, tôi chợt nhớ năm xưa đã đứng bán báo, đưa báo ở góc phố này, phố kia; có lúc bán được liền mấy tờ báo cho thầy giáo mà nghẹn ngào vì biết rằng thầy thương học trò nghèo, mua giúp. Những gì làm được trong hơn năm chục năm qua cho phép tôi tự hào là từ một học sinh nghèo bán báo trên đường phố Hà Nội, tôi đã được gắn bó với công tác tuyên giáo của Đảng, gắn bó với Hà Nội cả thời trai trẻ lẫn khi đã nghỉ hưu.

Nghĩ về Đảng, nghĩ về Hà Nội, là tôi nghĩ về những năm tháng đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức về Hà Nội của một nhà báo - chiến sĩ…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.