LTS: Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước với Đại thắng mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến thắng 30-4 mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như những mốc son chói lọi nhất,....
Bài 1: Chuyện kể của vị tướng “Rừng Rong”
Đi qua hai cuộc kháng chiến, cho đến hôm nay trong ký ức của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vẫn còn như in lời thề Rừng Rong năm nào: "Độc lập hay là chết! Chết tự do hơn sống nô lệ...".
Tướng Nguyễn Thới Bưng hạnh phúc bên người bạn đời những năm tháng nghỉ hưu. |
Những ký ức không thể quên
Khi về nghỉ hưu, tướng Nguyễn Thới Bưng chọn cho mình cuộc sống giản dị bên gia đình tại một căn nhà nhỏ trên đường Bạch Mã (phường 5, quận 10, TP Hồ Chí Minh). Khi chúng tôi đến thăm, ông đang ngồi bên người bạn đời của mình trước hiên nhà. Thỉnh thoảng, bỗng nhớ ra kỷ niệm, ông lại ghé sát tai bà, rạng rỡ: "Hồi đó đó, bà còn nhớ không?...".
Kể về mối tình của mình, tướng Bưng bảo, ông và bà đã đến với nhau từ sự đồng cảm về cuộc sống nghèo khổ và lòng căm thù giặc. Rồi chiến tranh chia cắt, ông lên đường nhập ngũ, không kịp một lời hứa hẹn. Lúc ấy, cô gái xinh đẹp nhất nhì mảnh đất An Tịnh (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) đang có nhiều chàng trai theo đuổi, thế nhưng cha cô đã phải đem trả cau trầu, vì con gái quyết chờ người lính nghèo. Bẵng đi hai năm bặt tin, một ngày, ông Bưng trở về vẫn thấy người con gái năm xưa ở vậy. Ông hỏi: "Sao vẫn ở vậy?". Cô gái e thẹn trả lời: "Lỡ nhớ rồi nên đợi". Người lính trẻ xúc động đến rơi nước mắt. Họ cưới nhau giữa chiến trường ác liệt và cùng nhau đi qua hai cuộc chiến tranh cho đến hôm nay.
Tướng Bưng nhớ, những ngày tiếp quản Sài Gòn rực rỡ cờ và hoa là lúc mà ông cảm nhận rõ rệt nhất niềm vui hạnh phúc của ngày độc lập - Lý tưởng mà ông và đồng đội đã đặt làm mục tiêu cuối cùng ngay từ những ngày đầu nhập ngũ. Nghiệm lại cuộc đời mình, vị tướng già đã bước tới ngưỡng tuổi 90 nói, nhiều người cứ quả quyết, khi về già người ta sẽ quên hết những chuyện trước đây, và vì bởi hội chứng Alzheimer (chứng mất trí). Thế nhưng có những ký ức không thể nào quên. Hướng đôi mắt về xa xăm, tướng Bưng bồi hồi nhớ lại những năm tháng có tác động lớn tới cuộc đời cách mạng của ông, bắt đầu từ "Hội thề Rừng Rong" cách đây hơn nửa thế kỷ.
Năm ấy, trước cảnh nước nhà bị xâm lược, 27 người thanh niên ưu tú của xã An Tịnh đã lập "Hội thề Rừng Rong", đứng trước cờ đỏ sao vàng, cắt máu thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", đọc lời tuyên thệ: "1: Độc lập hay là chết. 2: Chết tự do hơn sống nô lệ. 3: Dù đầu râu tóc bạc vẫn còn chiến đấu. 4: Dù phải hy sinh đời cha thì con cháu tiếp tục chiến đấu. 5: Ai phản bội đầu hàng phải bị xử tử".
"Hồi ấy, những thanh niên xuất thân từ chân lấm tay bùn không được học hành bài bản nhưng lòng yêu nước thì luôn sẵn sàng khi Tổ quốc cần. Tất cả đều trung thành và không ai bội ước với lời thề. Đa số họ hy sinh rất sớm, nằm lại chiến trường mà chưa kịp thấy được ngày thống nhất. Những người còn lại vẫn tiếp tục chiến đấu vì mục tiêu độc lập, tự do cho dân tộc đến cùng. Bản thân tôi, nếu không được rèn giũa trong môi trường như vậy thì không thể trưởng thành như hôm nay" - Tướng Bưng tâm sự. Nhờ giác ngộ và tham gia các phong trào cách mạng từ rất sớm, ông được Bộ Tổng Tham mưu đưa về đào tạo cấp tốc những kiến thức phổ thông căn bản làm nền tảng cho việc tiếp thu những kiến thức quân sự cấp cao. Năm 1956, ông tiếp tục được chọn cùng 80 học viên khác đi học chỉ huy tham mưu tại trường quân sự nước ngoài. Nhờ ham học hỏi, ông đã tốt nghiệp hạng đầu sau 4 năm học. Sau này, những kiến thức được đào tạo đã giúp ông vận dụng có hiệu quả vào các trận đánh lẫy lừng tại chiến trường miền Nam.
Những trận đánh lịch sử
Sau khi tốt nghiệp trường quân sự nước ngoài với thành tích loại ưu, tướng Bưng được Quân ủy Trung ương giao ngay nhiệm vụ quan trọng: Tăng cường vào tham mưu cho chiến trường miền Nam. Bắt đầu từ đây, cuộc đời của ông chứng kiến một bước ngoặt lớn, điển hình là những trận đánh làm phá sản các chiến lược, chiến dịch của Mỹ - ngụy, mở đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử sau này.
Trong hồi ức của mình, tướng Bưng nhớ như in một trong những trận đánh ác liệt nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Đó là trận địch điều hai tiểu đoàn dù, có pháo yểm trợ tổ chức phản công nhằm chiếm lại Bình Giã. Chỉ trong chưa đầy 1km2 tại Chòi Đông, địch đã mở cuộc bắn phá dữ dội bằng hỏa lực mạnh. Tuy nhiên, trung đoàn của ông không thể rút đi mà nhiệm vụ tiên quyết là phải kìm chân địch tại đây. Một chiến thuật đặc biệt đã được tướng Bưng vạch ra, trong đó sử dụng chiến thuật "Vận động phục kích", cùng với thiết lập các hầm hố công sự để quyết ngăn chặn địch chiếm lại Chòi Đông. Mệnh lệnh được truyền đi: Hễ địch xuống là bắn liền, bám trụ quyết liệt trận địa. "Do không thể tiếp cận ngay bởi bộ binh, địch đã nã đạn pháo liên tục suốt gần 2 tiếng vào khu vực Chòi Đông. Do thiếu phương tiện, vũ khí phòng thủ, bộ đội ta đã sử dụng đến cả súng bắn xe tăng, xe bọc thép để tiêu diệt trực thăng địch, một cách đánh mà bản thân quân Mỹ cũng không thể lường được. Hậu quả là gần 20 chiếc trực thăng của địch đã bị loại khỏi vòng chiến". Theo Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, trận này địch đã chịu tổn thất rất nặng nề, với hơn 300 địch quân bị loại khỏi vòng chiến. Sau trận Bình Giã, chiến thuật "Trực thăng vận, thiết xa vận" của Mỹ gần như đã bị bẻ gãy hoàn toàn, mở đầu cho sự sụp đổ của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt".
Từ sau trận này đến Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, tướng Bưng còn tổ chức nhiều trận đánh quyết liệt nhằm vào các lực lượng tinh nhuệ của Mỹ, trong các vai trò Tư lệnh sư đoàn và Tham mưu trưởng các trung đoàn, sư đoàn tiền tiêu (Trung đoàn 2, Trung đoàn 5, Sư đoàn 9…). Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung tướng Nguyễn Thới Bưng được giao nhiệm vụ làm Trưởng phòng Tác chiến chiến dịch. Trước trận đánh lịch sử này, tướng Bưng đã trực tiếp lãnh đạo một trong những trận đánh chiến lược vào giải phóng Lộc Ninh, trong vai trò là Tư lệnh Sư đoàn 9. Những thắng lợi liên tiếp đã làm thay đổi cục diện chiến trường miền Đông Nam bộ, góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về "chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam", tạo nên lợi thế chiến lược góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của quân và dân ta vào ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
"Cuộc chiến tranh với Mỹ là cuộc chiến không cân sức về tương quan vũ khí quân sự, nhưng bù lại Việt Nam lại sở hữu một sức mạnh khó đoán được. Đó là sức mạnh của dân!". Theo tướng Bưng, cách mạng đi tới đâu thì người dân ở đó nuôi hết, giặc không biết được. Rồi người dân xây dựng hậu phương, lo từ ăn, mặc, ở, đến cấp cứu thương, bệnh binh. Sức của dân lớn lao như vậy nên không có một sức mạnh tối tân nào có thể đánh bại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.