(HNM) - Ở phương Nam, người con Hà Nội đã 65 năm tuổi Đảng - Đại tá Trần Vũ Hòa (nguyên Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng; nguyên Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36 - Đại đoàn Quân Tiên phong - 308) vẫn nhớ như in ngày tiếp quản Thủ đô.
Tròn 60 năm Giải phóng Thủ đô và 25 năm vào TP Hồ Chí Minh (ngụ tại căn nhà nhỏ thuộc chung cư Tản Đà, phường 8, quận 5, TP Hồ Chí Minh) nhưng với Đại tá Trần Vũ Hòa, những ngày tiếp quản Thủ đô vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Ngồi bên chén trà xanh, ông nghẹn ngào đọc bài thơ "Quê tôi Hà Nội" mới sáng tác, như một lời gửi gắm về quê hương. Ông bảo, cái ngày ấy không bao giờ phai trong mình. "Ngày 10-10-1954, tôi là trợ lý và đi cùng tướng Hoàng Văn Thái (Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam) về tiếp quản Thủ đô. Các đơn vị tiếp quản Thủ đô, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô (thuộc Đại đoàn 308), giương cao cờ "Quyết chiến quyết thắng" từ cửa ô tiến vào Hà Nội. Đoàn chúng tôi đi sau qua những con phố như Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Hàng Ngang, Hàng Đào… rồi các đơn vị gặp nhau ở hồ Hoàn Kiếm và tiến về Ba Đình dự cuộc mít tinh", ông kể lại. Lời kể của người lính già cứ nghèn nghẹn, ngắt quãng nhưng vẫn như thước phim quay lại thật chậm đủ để chúng tôi cảm nhận được những tiếng cười, những giọt nước mắt và những cái ôm thật chặt trong ngày "năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về" 60 năm trước. Nhìn thấy những người dân Hà Nội đứng sẵn hai bên đường với cờ hoa vẫy chào các chiến sĩ trở về từ Chiến khu Việt Bắc. "Hôm ấy nhiều người dân mang theo bánh, kẹo, hay một chiếc khăn và bất cứ những quà lưu niệm ríu rít đưa tặng anh bộ đội Cụ Hồ", ông kể trong xa xăm nỗi nhớ.
Đại tá Trần Vũ Hòa. |
Nghỉ hưu đã 25 năm, nhưng mỗi khi ôn lại quãng đời binh nghiệp trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người con của Hà Nội vẫn kể lại rành mạch từng chi tiết. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở thị trấn Gia Lâm, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tháng 4-1945, chàng thanh niên Trần Vũ Hòa (tròn 18 tuổi) đã đi theo cách mạng và được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc tỉnh Bắc Giang. Đến tháng 7-1945, Trần Vũ Hòa vào Đội Tự vệ vũ trang để chuẩn bị khởi nghĩa. Tháng 8 năm đó, tổng khởi nghĩa nổ ra và chính Đội Tự vệ vũ trang đã đứng lên giành chính quyền ở Bắc Giang từ tay giặc Pháp. Đến tháng 3-1947, ông là Đại đội trưởng Đại đội 3 (Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36). Với vai trò tiên phong, ông chỉ huy Đại đội đánh giáp lá cà với địch tại đường số 4 (Lạng Sơn) mở đường cho Chiến dịch Việt Bắc thu đông cuối năm 1947. Năm 1948, ông là phái viên tham mưu quân khu Việt Bắc, được giao nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ bí mật đến tỉnh Quảng Ninh làm việc. Trên đường đi đoàn bị địch phục kích, ông đã cho di chuyển đoàn xe chạy đường rừng đến nơi an toàn.
Năm 1954, Trung đoàn 36 (Đại đoàn Quân Tiên phong - 308) tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh thẳng vào sân bay Mường Thanh. Do thông thạo tiếng Pháp, cuối năm 1954, ông được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Trại tù binh Âu - Phi (gồm 1.000 lính) và được lệnh dẫn số tù binh này đi về Sầm Sơn (Thanh Hóa) để trao trả… Tất cả nhiệm vụ ông đều hoàn thành xuất sắc. Cuối năm 1973, ông vinh dự được đứng vào đội ngũ Binh đoàn Quyết thắng, là Quân đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1975, Binh đoàn Quyết thắng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thần tốc đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa. Lúc này, ông được đề bạt làm Cục phó Cục Hậu cần của Quân đoàn 1, có nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho Quân đoàn giải phóng tỉnh Bình Dương và suốt chiến dịch. Đến năm 1982, ông được phong hàm Đại tá và được bổ nhiệm Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng). Đến năm 1989, Đại tá Trần Vũ Hòa về hưu và sống tại quận 5 (TP Hồ Chí Minh) cho đến nay. Dù tuổi cao nhưng ông vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động như từng giữ chức Bí thư Chi bộ phường 8; thành viên Ban liên lạc Trung đoàn Bắc Bắc...
Với những cống hiến trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và rất nhiều huân chương cao quý các loại. Năm 2013, ông được trao Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.