Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ký ức khốc liệt qua lời của một “Xác phàm”

Dương Xuân| 16/08/2014 07:22

(HNM) - Cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ biên giới phía Bắc vừa được tái hiện trong tiểu thuyết

Tiểu thuyết "Xác phàm".


Là người quan tâm đến đề tài chiến tranh, Nguyễn Đình Tú, hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, nhà văn của thế hệ trưởng thành trong hòa bình cho rằng: "Các bạn trẻ có thể không trải qua chiến tranh nhưng vẫn viết được về chiến tranh. Tuy nhiên, phải tránh "sử hóa" và tránh lặp lại cách viết của người đi trước, còn thì tùy vào tài năng và tâm huyết của người viết mà tác phẩm sẽ hay hoặc dở".

Cuốn tiểu thuyết thứ bảy này của anh do NXB Trẻ ấn hành, đã được giới thiệu tới bạn đọc ngày 13-8. Khói lửa chiến tranh, tiếng nổ, máu chảy, sự đổ nát, lòng căm thù… cứ thế đan xen cùng bước đường trưởng thành của những người trẻ trong cuộc sống hiện đại. Mong muốn tái hiện không khí sục sôi của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979, tác giả đã dày công tìm hiểu các nguồn tư liệu qua nhiều chuyến công tác biên giới phía Bắc. Nhưng không chỉ đơn thuần kể lại một câu chuyện chiến đấu của quá khứ, nhà văn đã lồng ghép để tác phẩm thêm hơi thở thực tại, thêm màu sắc của đời sống đương đại.

Nội dung câu chuyện chỉ diễn ra trong 17 ngày với chuỗi biến động dữ dội của cuộc chiến đấu bảo vệ pháo đài nơi biên giới với nhiều hành động, tình tiết gay cấn nghẹt thở. Có những trận đánh khốc liệt giữa bên ta, lực lượng bám trụ kiên trì nhưng ngày càng mỏng do tổn thất, với bên địch có đủ xe tăng, pháo lớn, súng nhiều, quân ngày càng đông và hung hăng. Có những phút giây thể hiện sự gan dạ, mưu trí của người chỉ huy, người chiến sĩ trong chiến thuật "lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều". Có khoảnh khắc đau đớn, nghẹn ngào khi vòng vây quân thù ngày càng khép chặt, cuộc truy kích của chúng ngày càng táo tợn và những người con trung kiên còn lại nơi pháo đài chấp nhận sự hy sinh, quyết không để rơi vào tay giặc. Có những thời điểm cuộc chiến đấu giãn ra, để cho những suy tư về gia đình thân yêu, về trách nhiệm của người lính, người công dân với quê hương, đất nước thêm phần tỏa sáng. Cuộc chiến 17 ngày của một đơn vị "tổng hợp" tại pháo đài gồm cả đơn vị bộ đội, đồng chí công an, bác trưởng bản người dân tộc ít người, chị mậu dịch viên… trở nên một đại diện cho cả cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của quân và dân ta chống lại quân xâm lược.

Đáng chú ý, 17 ngày khốc liệt và bi tráng lại được tái hiện qua quãng thời gian bằng cả đời người, qua những khúc vọng tưởng của một cậu bé chưa một ngày trải qua chiến tranh, là con của một người lính. Những thời khắc huyền diệu và lãng mạn nơi quê nghèo bỗng nhiên nối liền hồi ức giữa linh hồn người cha với tâm hồn trong trẻo của đứa con chưa một lần gặp bố, để rồi từng diễn biến hào hùng và đau thương đã qua, bỗng nhiên trở lại, đủ đầy, rành rọt qua lời con trẻ. Đứa bé cứ thế lớn lên cùng những hình ảnh, lời nói tự dưng ùa về trong đầu, trong sự mênh mang của tâm trí cứ mãi băn khoăn câu hỏi về bản thân: Mình là ai, là nam hay là nữ, là con người cụ thể hay chỉ là một thân xác được gửi gắm những điều kỳ lạ, để rồi không thể thoát khỏi sự ràng buộc với những người đã khuất, những tâm tưởng huyền hoặc trong không gian, thời gian, sự ràng buộc với cả cậu bạn hàng xóm bằng tình bạn, tình yêu thương, sự gắn bó gia đình?

Nguyễn Đình Tú chia sẻ, cuốn tiểu thuyết của anh khai thác đề tài chuyển giới, nhưng hình thức đó lại bao hàm một "nội dung" là cuộc chiến biên giới 1979. Nội dung đó lại ẩn giấu một thông điệp "ẩn ức thế hệ cần được giãi bày". Nhà văn cho rằng, trong tiểu thuyết của mình, nếu để cho người còn sống kể lại sẽ không còn khách quan, không đủ độ tin cậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức khốc liệt qua lời của một “Xác phàm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.