(HNM) - Tối 14-8, kỷ lục gia vừa giành 1 HCV, 1 HCB Olympic Rio 2016 Hoàng Xuân Vinh cùng đồng đội, huấn luyện viên, chuyên gia đã về đến Sân bay Nội Bài. Khó có thể kể hết tình cảm người hâm mộ dành cho người hùng của thể thao Việt Nam (TTVN) và tất cả đều mong muốn là các nhà lãnh đạo và quản lý
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trong vòng vây người hâm mộ Ảnh: Bùi Việt |
- Bộ trưởng có bất ngờ với việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV, 1 HCB, thiết lập được 1 kỷ lục Olympic ở Rio 2016?
- Nói bất ngờ có phần đúng, nhưng cũng chưa hẳn đúng hoàn toàn, bởi thành tích nào cũng phải có quá trình rèn luyện phấn đấu, thậm chí phải trải qua thất bại để từ đó rút ra được những kinh nghiệm cho ngày hôm nay. Đấu trường Olympic tập trung nhiều VĐV xuất sắc nhất thế giới, việc giành huy chương đã khó, huống chi HCV và xác lập kỷ lục Olympic. Trong bối cảnh đó, kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh thực sự tuyệt vời!
- Theo Bộ trưởng, kỳ tích đó có giá trị như thế nào đối với sự phát triển chung của TTVN?
- Nó cho thấy, nếu có sự đầu tư thực sự trọng điểm đối với các tài năng, TTVN có thể tiếp cận đến đỉnh cao nhất ở những môn phù hợp thể chất, thể trạng người Việt Nam. Các VĐV dự Olympic kỳ này nhưng chưa giành được huy chương, hoặc những nhân tố trẻ tài năng kỳ này chưa đến được Olympic sẽ có thêm niềm tin, rằng bản thân mình có thể giành chiến thắng cao nhất nếu thực sự quyết tâm, rèn ý chí, khổ luyện! Kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh còn tạo niềm tin cho cả nước, cho những người làm quản lý thể thao rằng, dù còn nhiều khó khăn, chúng ta có thể thành công không kém các nước giàu có, nếu có cách làm phù hợp.
- Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để kỳ tích này thực sự trở thành “cú hích” cho sự phát triển của TTVN trong những chặng đường sắp tới?
- Với riêng môn bắn súng, chúng tôi sẽ từng bước nghiên cứu, thảo luận và cân nhắc chuyện đầu tư trường bắn hiện đại trong cơ cấu đầu tư, bởi sau Olympic Rio 2016, tất cả đều thấy rõ tiềm năng phát triển của các xạ thủ Việt Nam.
Chiến công của Hoàng Xuân Vinh giúp Bộ và Ngành TDTT thêm tin tưởng vào đường hướng chiến lược từng bước chinh phục đấu trường Olympic để có sự đầu tư mạnh mẽ hơn cho thể thao nước nhà. Bởi đây không đơn giản là chuyện thi đấu giành giải, mà là sự khẳng định vị thế của đất nước trên đấu trường quốc tế thông qua lĩnh vực thể thao; là khả năng kết nối cộng đồng, tăng niềm tự hào, tinh thần đoàn kết dân tộc, lòng yêu nước thông qua thể thao. Và đó thực sự là những giá trị không thể đo đếm được.
Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp tục ủng hộ Ngành TDTT đầu tư có trọng điểm vào các VĐV có tiềm năng cho tương lai, trước mắt là ASIAD 2018, Olympic Tokyo 2020. Sau kỳ Olympic ở Rio, Bộ sẽ chỉ đạo Ngành Thể thao rà soát từng môn, từng VĐV về cả trình độ, độ tuổi, khả năng đi được đến đâu của từng em để có cơ chế đầu tư phù hợp, thích đáng, đúng người đúng việc, bảo đảm luôn có lực lượng tuyến trọng điểm và lực lượng kế cận xứng đáng, “gối đầu” cho các kỳ đại hội. Bởi đầu tư cho thể thao thành tích cao đòi hỏi sự bền bỉ, lâu dài, bài bản, khoa học.
- Với các nhà quản lý, HLV và cán bộ Ngành Thể thao, Bộ trưởng có chỉ đạo cụ thể gì?
- Trước tiên, tôi ghi nhận công sức của Ngành TDTT trong chiến tích lịch sử 1 HCV, 1 HCB, thiết lập 1 kỷ lục Olympic ở kỳ Thế vận hội Rio 2016, tiếp nối sau thành công đặc biệt ở SEA Games năm 2015. TTVN sẽ được đầu tư mạnh mẽ hơn - đó là điều chắc chắn. Khi Hoàng Xuân Vinh giành thêm tấm HCB ngày 10-8, tôi đã chúc mừng Ngành và có buổi làm việc với các nhà quản lý và chuyên môn Ngành TDTT. Chúng ta không thể ngủ quên trên chiến thắng. Chiến thắng này phải bắt đầu cho giai đoạn mới và phải lập tức bắt tay vào việc xây dựng kế hoạch cụ thể cho các kỳ ASIAD, Olympic tiếp theo. Bộ VH-TT&DL sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn, quan tâm nhất đến vấn đề hiệu quả, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, phát triển mạnh phong trào thể thao quần chúng, làm chân đế vững chắc cho thể thao đỉnh cao. Đặc biệt, phải quan tâm giáo dục đạo đức trong thể thao, xây dựng văn hóa trong thể thao, tạo môi trường thể thao lành mạnh và chuyên nghiệp.
- Cảm ơn Bộ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.