(HNMO) - Chuyến đi kiểm tra tiến độ công trình đường dây 500kV Sơn La-Lai Châu của Chủ tịch HĐTV NPT Đặng Phan Tường vào những ngày các tỉnh miền núi phía Bắc bị ảnh hưởng từ các trận mưa lũ, nên đường xá đi lại không chỉ khó khăn mà còn rất nguy hiểm.
Cũng có ý kiến lo ngại, nhưng chuyến đi không thể “chờ” cho “mưa thuận gió hòa”, bởi trên công trường xây dựng đường dây 500kV Sơn La- Lai Châu, cán bộ công nhân các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu đang chạy đua với thời gian để hoàn thành tiến độ, xây lắp, sẵn sàng đón dòng điện từ Tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Lai Châu, dự kiến sẽ phát điện vào cuối năm 2015.
Khu vực Tây Bắc là nơi có tiềm năng thủy điện dồi dào, địa hình thuận lợi cho việc phát triển nhà máy thủy điện, vì vậy, đây là nơi hội tụ các nhà máy thủy điện lớn của cả nước, với các nhà máy thủy điện như: Sơn La ( công suất 2.400 MW), Hòa Bình (1.920 MW) , Bản Chát (220 MW), Thác Bà (108 MW). Trong thời gian tới, sẽ đưa vào vận hành nhà máy thủy điện Lai Châu (1.200 MW), Huội Quảng (560 MW), Nậm Chiến (196 MW), Bắc Hà (90 MW) ...
Ngoài ra, trong vùng còn nhiều nhà máy thủy điện vừa và nhỏ nằm rải rác tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu. Các nhà máy thủy điện này được đấu nối trực tiếp với lưới trung thế để cấp điện trực tiếp cho phụ tải tại chỗ và là các nhà máy thủy điện kiểu dòng chảy, không có hồ chứa nên tình hình vận hành phụ thuộc nhiều vào thời tiết, vào mùa nước thường thừa công suất. Vì vậy, việc gom công suất của các nhà máy thủy điện này để phát lên Hệ thống điện quốc gia là vô cùng cần thiết, nhằm tận dụng tài nguyên nước và tối ưu hóa chi phí đầu tư.
Dự án Đường dây 500 kV Sơn La - Lai Châu và mở rộng trạm 500 kV Sơn La được đầu tư xây dựng nhằm kết nối, truyền tải công suất của nhà máy thủy điện Lai Châu công suất 1.200MW và các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ khu vực Tây Bắc với khoảng 360 MW lên Hệ thống điện quốc gia, vừa góp phần đảm bảo khả năng cung cấp điện từ các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc cho các trung tâm phụ tải của miền Bắc, vừa nâng cao độ tin cậy, linh hoạt trong vận hành hệ thống điện.
Công trình đường dây 500kV Sơn La - Lai Châu có tổng chiều dài 158Km, đi qua các huyện Mường La, Thuận Châu (Sơn La), Tuần Giáo, Mường Chà, Thị xa Mường Lay (Điện Biên), Nậm Nhùn (Lai Châu) với tổng mức đầu tư trên 4.070 tỷ đồng.
Giám đốc Ban QLDA các công trình điện Miền Bắc Phan Lương Thiện cho biết, đường dây 500 kV Sơn La-Lai Châu được xây dựng mạch kép từ nhà máy thủy điện Lai Châu đến trạm biến áp 500 kV Sơn La, với dài 158 km, bao gồm 311 vị trí cột; mở rộng 2 ngăn lộ 500 kV tại trạm biến áp 500 kV Sơn La để phục vụ đấu nối với đường dây 500 kV Sơn La - Lai Châu. Được khởi công vào ngày 22-12-2013, đến nay, các nhà thầu thi công đã hoàn thành 90% khối lượng công việc, theo đó, đã đúc móng, dựng cột xong 311/311 vị trí và đã nghiệm thu xong; kéo dây dẫn xong 39/94 khoảng néo, tương ứng với chiều dài 61,208/158 km, từ 25-9 sẽ tập trung nghiệm thu; kéo dây cáp quang xong 12/94 khoảng néo; xây dựng phần mở rộng ngăn lộ trạm biến áp 500 kV Sơn La đã thi công xong, hiện đang lắp đặt thiết bị, dự kiến xong trong tháng 9 này; hành lang tuyến cũng đang được đôn đốc chặt cây để đảm bảo tiến độc đóng điện.
Đối với các Nhà báo thì Tây Bắc như một sơn nữ đầy bí ẩn và quyến rũ. Đang là mùa mưa nên dòng sông Đà giang mênh mang cuồn cuộn tạo ghềnh thác, uốn lượn quanh co bên dãy Huổi Luông hùng vĩ. Những lần trở về Đà giang, đứng bên công trình thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, trên tuyến đường dây 500kV Sơn La-Lai Châu mới thấy sự kỳ vĩ của trí tuệ con người. Dòng sông dữ dằn ấy đã bị con người chinh phục, biến sức mạnh của nó thành cơm gạo nuôi con người; dây dẫn cấp điện áp 500kV không nắm hết trong lòng bàn tay mà khi lên lưới, vắt qua Đà giang như những dây đàn trời, thật mềm mại, mong manh…tạo lên một bức tranh Tây Bắc vừa hùng vĩ, vừa đa tình.
Từ đường Quốc lộ 6 đến vị trí cột 265 thuộc địa bàn thị xã Mường Lay (Điện Biên) phải vượt dốc lên độ cao hơn 800m. Ông Nguyễn Hồng Quân, Chỉ huy trưởng công trường thuộc Công ty Xây lắp điện 1 cho biết, Công ty trúng thầu thi công hai gói thầu 14 và 15 với tổng số 27,1km, từ vị trí 257 đến 319 thuộc hai huyện Mường Lay (Điện Biên) và Nậm Nhùn (Lai Châu). Với 250 công nhân đang thi công trên công trường, Công ty đã hoàn thành được 80% khối lượng. Đồng thời cố gắng trước ngày 15-10 sẽ bàn giao và đóng điện vận hành toàn bộ hai gói thầu.
Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 2 thi công hai gói thầu 7 và 13 gồm 64 vị trí cột với hơn 31,5km đường dây đi qua hai huyện Mường Chà (Điện Biên) và Thuận Châu (Sơn La). Ông Nguyễn Hữu Ý, Phó Giám đốc Công ty cho biết, đến ngày 23-9, hiện đơn vị đã hoàn thành toàn bộ móng cột và kéo dây được 80% khối lượng. Mặc dù còn vướng đền bù 2 khoảng néo và khó khăn thời tiết mưa gió liên tục làm ảnh hưởng đến quá trình thi công nhưng đơn vị đang phấn đấu chậm nhất đến ngày 10/10 sẽ kéo dây hoàn chỉnh.
Tại vị trí 193-194, Tổng Công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) đang thi công khoảng kéo vượt sông thủy điện Nậm Mức, thuộc xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà (Điện Biên). Đây là cung đoạn khó khăn nhất phải bảo vệ thi công do có nhiều bà con dân tộc Mông sinh sống. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chỉ huy trưởng công trường cho biết với 70 công nhân đang thi công, đơn vị đã thực hiện được 97,5% khối lượng kéo dây và dự kiến đến trước ngày 15/10 sẽ xong.
Công ty CP Sông Đà 11 thực hiện hai gói thầu 10 và 11 với 33,4km. Đây là nhà thầu có khối lượng hoàn thành sớm nhất trong các đơn vị xây lắp thi công dự án này. Tại vị trí 148-149, địa bàn xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo (Điện Biên), chỉ huy công trường Đoàn Ngọc Sơn cho biết, mặc dù địa hình thi công trong khu vực đồi núi hiểm trở, phức tạp, vượt qua 3 khoảng đường dây 110kV cấp điện cho Thủy điện Lai Châu và 6 khoảng vượt đường dây 35kV nhưng với việc tập trung 500 cán bộ công nhân trên toàn tuyến, đơn vị đặt quyết tâm hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc trước ngày 30-9 tới.
Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT Đặng Phan Tường khẳng định: Dự án đường dây 500kV Sơn La-Lai Châu hoàn toàn có khả năng đóng điện vào ngày 15-10, trước tiến độ nửa tháng. Chính vì tầm quan trọng và tính cấp bách của dự án, truyền tải công suất của Thủy điện Lai Châu và các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong khu vực Tây Bắc lên hệ thống điện Quốc gia với tổng công suất khoảng 1.561MW, nên EVN đã chọn dự án đường dây 500kV Sơn La- Lai Châu là công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12. Do tiến độ dự án Thủy điện Lai Châu được đẩy nhanh là phát điện cuối năm 2015 nên dự án này cũng được đẩy sớm so với kế hoạch là đóng điện cuối tháng 10, trước khi Thủy điện Lai Châu phát điện.
Hiện tại, trên công trường xây dựng đường dây 500kV Sơn La- Lai Châu, hàng nghìn kỹ sư, công nhân của các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát đang khẩn trương làm việc. Không khí thi đua lao động sôi nổi đang diễn ra trên toàn công trình với mục tiêu hoàn thành đường dây trong tháng 10, sẵn sàng tiếp nhận dòng điện đầu tiên từ Tổ máy số 1 Thủy diện Lai Châu, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại Hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Ai là người đã chinh phục những đỉnh núi nơi rừng thiêng nước độc Tây Bắc? Chúng ta thường nghĩ đến những máy móc hiện đại, những giàn khoan hiện đại, những máy trộn bê tông, những kỹ sư xây dựng, kiến trúc cừ khôi…Nhưng những người thực sự đặt nền móng cho việc chinh phục vùng đất này, thì ít người biết đến. Họ chính là những người thợ xây lắp điện và lính truyền tải. Họ làm việc âm thầm, ăn rừng ngủ núi, hiểu tuyến đường dây truyền tải như mạch máu của mình.
Dự án Thủy điện Sơn La hoàn thành trước 3 năm so với kế hoạch. Điều kỳ diệu là kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế và thi công. Các chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò giám sát. Trên công trường thủy điện có tới 1 vạn công nhân, kỹ sư làm việc miệt mài. 16,6 triệu mét khối đất đá được đào xúc, 20 triệu mét khối đất đá được vận chuyển, đổ 6 triệu mét khối bê tông, lắp đặt 115.000 tấn thiết bị…và năm 2015, những người thợ xây lắp và những người thợ truyền tải điện lại tiếp tục lập kỳ tích trên mảnh đất Tây Bắc với công trình đường dây 500kV Sơn La-Lai Châu dâng lên Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, với thời gian hoàn thành trước kế hoạch 15 ngày.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.