(HNM) - Hôm qua, ngày 18-6, gần 72 nghìn học sinh THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2013-2014 với hai môn thi là ngữ văn và toán.
Đây là năm học thứ 7 liên tiếp Hà Nội áp dụng phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển làm căn cứ tuyển sinh lớp 10. Sự kiên quyết, nghiêm khắc của lãnh đạo ngành trong việc xử lý những trường hợp vi phạm Quy chế thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã góp phần chấn chỉnh công tác coi thi tại kỳ thi này.
Thí sinh làm bài tại Hội đồng thi trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên). Ảnh: Viết Thành |
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, điểm xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2013-2014 gồm 2 thành phần: xét tuyển và thi tuyển, trong đó phần thi tuyển đóng vai trò quan trọng với 2/3 tổng số điểm. Phần xét tuyển là điểm học tập, rèn luyện của HS ở cấp THCS đã được hoàn thành vào cuối tháng 5 vừa qua và tuân thủ theo quy trình 7 bước của việc quản lý điểm số từ cấp trường đến phòng GD-ĐT. Điểm xét tuyển của từng HS cũng đã được công bố công khai tại trường và không có trường hợp khiếu nại.
Để phục vụ khâu thi tuyển, Hà Nội đã bố trí 3.008 phòng thi tại 149 hội đồng coi thi (HĐCT). Công tác bàn giao đề thi được tính toán chi tiết, phân định rõ về thời gian giao - nhận giữa các HĐCT khu vực ngoại thành và nội thành nhằm tránh tình trạng lộn xộn, nhầm lẫn ở khu vực hội đồng sao in đề. Trong quá trình tổ chức thi, ngoài bộ phận trực tại Sở GD-ĐT với 9 số điện thoại nóng để hỗ trợ các HĐCT khi cần thiết, 20 đoàn thanh tra lưu động của Sở kiểm tra đột xuất tại các HĐCT. Phương án phân vùng, giao trách nhiệm cho trưởng đoàn thanh tra phụ trách từng địa bàn với số lượng HĐCT cụ thể như tại kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục được áp dụng, nhằm tránh tình trạng chồng chéo khi làm nhiệm vụ hoặc tình trạng nơi này "được" đón quá nhiều thanh tra, nơi kia lại vắng giám sát. Với cách thức này, nếu HĐCT để xảy ra sự cố thì trách nhiệm không chỉ thuộc về chủ tịch HĐCT, mà trưởng đoàn thanh tra phụ trách khu vực cũng chịu trách nhiệm liên đới.
Đề thi hai môn ngữ văn và toán được nhiều giáo viên đánh giá là có tính bao quát, đủ để kiểm tra kiến thức, kỹ năng cơ bản và có khả năng phân hóa trình độ thí sinh (TS). Đề thi môn ngữ văn tiếp tục gây được sự quan tâm của dư luận khi tập trung đề cập đến vấn đề chủ quyền đất nước và biển đảo (yêu cầu TS chép hai câu trong bài thơ "Sông núi nước Nam") và có câu hỏi ra theo hướng mở (trình bày suy nghĩ về hình ảnh những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc). Phản ánh chung của các TS là đề thi dễ hiểu, nằm trong chương trình đã học, song có lẽ khó đạt điểm tối đa.
Coi thi nghiêm
7h sáng, lễ khai mạc kỳ thi diễn ra đồng loạt tại 149 HĐCT. Dự lễ khai mạc tại HĐCT Trường THPT Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất), Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ động viên hơn 700 TS tại đây yên tâm, nghiêm túc làm bài; nhắc nhở giám thị thực hiện đúng Quy chế thi, coi thi nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng cho TS. Giám đốc Sở GD-ĐT cũng đã đi kiểm tra công tác tổ chức thi tại các HĐCT Trường THPT Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất), THPT Quốc Oai và THPT Đồng Quan (huyện Quốc Oai). Theo đánh giá của đoàn công tác, khâu chuẩn bị điều kiện tổ chức thi của các HĐCT khá kỹ lưỡng, nhất là việc bảo đảm an ninh tại khu vực thi. Những hộ dân xung quanh HĐCT đã được Ban chỉ đạo và kiểm tra thi của huyện nhắc nhở, yêu cầu ký cam kết không làm ảnh hưởng đến việc thi cử.
Theo yêu cầu của Ban chỉ đạo và kiểm tra thi thành phố Hà Nội năm 2013, dù đây là kỳ thi thường niên, song với đặc điểm mang tính cạnh tranh cao (chọn ra gần 70% số TS để vào các trường THPT công lập) nên mỗi thành viên tham gia làm thi tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, bởi chính TS cũng là kênh giám sát việc chấp hành Quy chế của thầy, cô giáo. Trong quá trình làm nhiệm vụ, giám thị được yêu cầu giữ thái độ nhẹ nhàng, chu đáo với TS, tạo "sân chơi" bình đẳng để các em phát huy năng lực thực sự.
Với nhận thức làm tròn nhiệm vụ để không chỉ giữ nghiêm kỷ cương trường thi, mà còn là tiền đề để bảo đảm chất lượng "đầu vào" của các trường THPT năm học tới, mọi hành vi vi phạm của TS đều đã được phát hiện và xử lý theo đúng Quy chế thi. Theo báo cáo nhanh từ 149 HĐCT vào cuối ngày hôm qua (18-6), có 14 TS bị đình chỉ thi, trong đó có 1 trường hợp thi hộ, số còn lại mang thiết bị, tài liệu trái quy định vào phòng thi. Theo Quy chế thi, số TS này bị hủy kết quả của cả kỳ thi.
Hôm nay (19-6), TS đăng ký dự thi vào các lớp chuyên của 4 trường THPT: chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, Sơn Tây và Chu Văn An làm bài thi môn ngoại ngữ. Dự kiến tới ngày 4-7-2013, kết quả thi của toàn bộ TS tham dự kỳ thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội được công bố tại trường TS đăng ký nguyện vọng 1 và nguyện vọng chuyên.
- Kết thúc hai buổi thi có 568 TS vắng mặt. - Trường hợp thi hộ được phát hiện tại HĐCT Trường THPT Chúc Động (huyện Chương Mỹ). Sở GD-ĐT Hà Nội đang xác minh danh tính chính xác của người thi hộ và TS nhờ thi hộ. Theo Quy chế thi hiện hành của Bộ GD-ĐT, TS nhờ người thi hộ sẽ bị hủy kết quả thi tốt nghiệp phổ thông, thi tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục tại các kỳ thi cùng năm; bị hủy kết quả thi và cấm thi từ 1 đến 2 năm. Còn người thi hộ sẽ bị buộc thôi học (nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục), bị đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm. |
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT toàn quốc đạt 97,52% (HNM) - Chiều 18-6, thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, qua tổng hợp thống kê sơ bộ của các địa phương về kết quả thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2013, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trên toàn quốc đạt 97,52%, giảm 1,45% so với năm 2012. Ở hệ bổ túc THPT, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 78,08%, giảm 7,39% so với năm 2012. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, so với 5 năm gần đây, kết quả tốt nghiệp THPT năm nay giảm. Cả nước có hơn 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng nhẹ. Một số tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp hệ bổ túc THPT giảm đáng kể, từ 20% đến 25% so với năm trước như Yên Bái, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Quảng Bình… Cá biệt, tỉnh Phú Yên có tỷ lệ tốt nghiệp hệ bổ túc THPT năm 2013 chỉ ở mức hơn 20%, giảm 63% so với năm trước. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định không lấy kết quả tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT làm căn cứ để xét thi đua của ngành GD-ĐT các địa phương trong năm học 2012-2013. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.