Với việc bịt mũi và nước mắt giàn giụa, mỗi năm hàng ngàn người Ấn Độ xếp hàng dài để thực hiện nghi thức nuốt cá sống. Họ tin rằng liều thuốc cổ truyền này sẽ chữa được bệnh hen suyễn.
Cứ đến tháng 6 hàng năm, những người bị mắc bệnh hen suyễn lại tụ tập tại Hyderabad - một thành phố miền nam của Ấn Độ để nuốt cá với một loại thảo dược màu vàng với hi vọng nó sẽ giúp họ dễ thở hơn.
Phương thuốc này là một công thức bí mật của các loại thảo dược được lưu truyền qua nhiều thế hệ của gia đình Bathini Goud và chỉ có các thành viên trong gia đình mới biết được công thức này.
Phương thức điều trị: Họ nhét các thảo dược vào miệng một con cá mòi hoặc cá murrel đang còn sống, con cá vẫn còn đang giẫy giụa này dài khoảng 5cm sẽ được những người bệnh nuốt sống và họ tin rằng chúng sẽ làm thông họng khi nó trôi xuống đến dạ dày.
Tuy nhiên, gia đình nắm phương thức “bí truyền” này từ chối tiết lộ công thức mà chỉ tuyên bố rằng họ đã nhận được từ một vị thánh Hindu năm 1845 và khẳng định rằng loại “thuốc cá” này đã được chứng minh trong việc điều trị bệnh hen suyễn và các vấn đề về hô hấp nếu được điều trị duy trì khoảng ba năm.
Sau khi nuốt cá, bệnh nhân còn được yêu cầu tuân thủ một chế độ ăn uống nghiêm ngặt trong vòng 45 ngày.
Hàng nghìn người từ khắp nơi trên Ấn Độ tập trung đến đây sẽ được miễn phí thuốc trong hai ngày, ngày cụ thể sẽ được xác định bởi sự bắt đầu gió mùa tháng 6 hàng năm
Các bệnh nhân sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để có thể nuốt được con cá sống xuống dạ dày. Nhiều cha mẹ buộc phải ép trẻ con mở miệng trong khi chúng la khóc và con cá thì loay hoay trước mặt trong khi những người khác thì bóp mũi và nhắm mắt để nuốt được chúng.
Đã có rất nhiều nhóm nhân quyền và các bác sĩ đã phàn nàn rằng việc điều trị bằng phương pháp trên là “phản khoa học”, vi phạm quyền con người và không hợp vệ sinh nhưng những khuyến cáo trên đã bị gia đình Bathini Goud bác bỏ và đám đông những người đi chữa bệnh cũng không đồng ý.
Chính phủ Ấn Độ đã phải sắp xếp các phương tiện, các chuyến tàu đặc biệt cho lễ hội “thuốc cá” hàng năm và cảnh sát phải làm nhiệm vụ để kiểm soát đám đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.